QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN BẢO TÀNG VĨNH LONG

anh tin bai

(Dinh tỉnh trưởng Vĩnh Long - Nay là Bảo tàng Vĩnh Long)

          Bảo tàng được hình thành từ năm 1976, trên cơ sở tiếp thu Dinh Tỉnh trưởng của 02 thời kỳ Pháp và Mỹ, nguyên là phòng Bảo tồn - Bảo tàng trực thuộc Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Cửu Long. Đến năm 1992, tỉnh Cửu Long được tách thành 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, Bảo tàng Vĩnh Long được thành lập theo Quyết định số 716/QĐ-UBT ngày 06/9/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

 

anh tin bai

(Quyết định số 716/QĐ-UBT ngày 06/9/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc thành lập Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long)

         Sau khi chính thức được thành lập, Bảo tàng Vĩnh Long tiếp tục được sự quan tâm, đầu tư của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) để Bảo tàng thực hiện tốt chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản văn hóa của dân tộc nhằm phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

         Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngày 12/3/1998, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 373/1998/QĐ-UBT về việc xếp hạng II cho Bảo tàng Vĩnh Long.

         Tháng 9/1999, Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận cho phép đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất cho Bảo tàng. Đến ngày 01/02/2005, Bảo tàng Vĩnh Long đã tổ chức lễ khánh thành, từ đó tổ chức hoạt động của Bảo tàng ngày càng đi vào chuyên môn hóa, phong phú và đa dạng.

        Ngày 06/9/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định số 1996/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tổ chức và hoạt động Nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ngày 22/12/2011, Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh được tổ chức lễ khánh thành, chính thức đi vào hoạt động.

        Ngày 19/01/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long có Quyết định số 110/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Di tích tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở tách phòng Bảo tồn, di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang, khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

         Đến ngày 30/5/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 897/QĐ-SVHTTDL về việc sáp nhập Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long vào Bảo tàng Vĩnh Long.

         Từ một đơn vị nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu; nhân sự ít ỏi, chưa được đào tạo chuyên môn sâu, tư liệu hiện vật không nhiều. Đến nay, Bảo tàng đã phát triển thành một đơn vị sự nghiệp nòng cốt của ngành văn hóa, có 08 phòng, ban trực thuộc gồm: Phòng Hành chính, Phòng Quản lý Bảo tàng, phòng Quản lý Di tích, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Di tích Lịch sử cách mạng Cái Ngang, Nhà Truyền thống Ðảng bộ tỉnh tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và các di tích đã được xếp hạng; có 71 viên chức và người lao động, trong đó có nhiều viên chức đã được đào tạo chuyên môn sau đại học; bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất không ngừng hoàn thiện. Tổng số hiện vật có trong Bảo tàng trên 27.000 tư liệu – hiện vật; trong đó có trên 100 cổ vật như: Tượng Kỳ lân (bằng đồng, có niên đại thế kỷ XIX); Mukhalinga (Sinh thực khí, bằng đá, có niên đại thế kỷ VI – VII, văn hóa Óc Eo); Thuyền độc mộc (bằng gỗ, đây là thuyền lớn thuộc loại hiếm, có niên đại thế kỷ XIV), Tượng Phật (bằng gỗ, niên đại thế kỷ XIX); đặc biệt tượng thần Vishnu Vũng Liêm (bằng đá sa thạch, niên đại thế kỷ VI - VII, văn hóa Óc Eo, đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018); tượng Nữ thần Saraswati (bằng đá sa thạch, có niên đại thế kỷ VI - VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo, lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam, là một tư liệu lịch sử quý hiếm tiêu biểu của đất nước,...Đã xây dựng 10 hồ sưu tập hiện vật và thực hiện 07 đề cương tư liệu. Bảo tàng có 03 khu nhà trưng bày, các chuyên đề trưng bày cố định thường xuyên được bổ sung và luân chuyển nguồn tư liệu, hiện vật. Đặc biệt, Bảo tàng quan tâm đến việc xây dựng đề cương và tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của tỉnh, của đất nước và và tổ chức đi trưng bày lưu động để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, đa dạng hóa công tác trưng bày, tuyên truyền; giao lưu với các Bảo tàng, các nhà sưu tập tư nhân, các cơ quan ban, ngành, các trường học;…được xem là một hoạt động cần thiết phải có hàng năm của Bảo tàng Vĩnh Long.

         Ngoài ra, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn các nội dung về loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể như: Trình diễn nghề truyền thống đan đác, quết cốm dẹp, dệt chiếu, trầm nón lá, gói bánh tét, bánh dân gian…; trình diễn các loại hình đờn ca tài tử, hát bội,…phục vụ trong các dịp lễ, tết hàng năm.

         Để chuẩn bị cho các đợt trưng bày chuyên đề phục vụ các ngày lễ lớn trong năm, Bảo tàng đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Vĩnh Long, Báo Thanh niên, Phân xã Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Kênh truyền hình Quốc hội (thường trú tại Vĩnh Long),… tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến công chúng. Để mở rộng chức năng giáo dục, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học cho công chúng, Bảo tàng còn hỗ trợ tư liệu, hình ảnh, hiện vật cho các trường học trong công tác giảng dạy, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về Truyền thống Lịch sử của tỉnh, của đất nước, về các danh nhân và niềm tự hào dân tộc, yêu quê hương đất nước,… 

         Đồng thời, Bảo tàng phối hợp quay các phim tư liệu, in các tờ gấp, các tập sách giới thiệu, phim tư liệu về các hoạt động Bảo tàng và tập sách giới thiệu làng nghề truyền thống phục vụ các tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh và khách nước ngoài.

        Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngày 24/11/2007 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã liên hệ Ban Quản lý khu Di tích Đền Hùng - tỉnh Phú Thọ tạo điều kiện để đưa Đất - Nước từ Đền Thượng về an vị tại ngôi nhà xưa trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Ngày 15/4/2008 đến nay, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành Lễ hội thường niên của tỉnh trong những năm trở lại đây mà nhiều tỉnh khác của khu vực chưa thực hiện được. Vào ngày này, nhiều đoàn đại biểu của 8 huyện, thị xã, thành phố, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đều hướng về Bảo tàng Vĩnh Long, nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương để thắp hương, tưởng nhớ đến cội nguồn dân tộc và tham gia nhiều hoạt động lễ hội do tỉnh tổ chức.

        Năm 2013, được sự thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng đã tổ chức kỷ 20 năm thành lập để nhìn lại hoạt động của Bảo tàng Vĩnh long trong 20 năm qua. Đồng thời nhân dịp này, Bảo tàng đã tiếp nhận trên 100 hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiện tặng để bổ sung vào các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng.

        Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 11 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 54 di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

       Hiện nay, Bảo tàng Vĩnh Long, di tích Văn Thánh miếu, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm GS – VS Trần Đại Nghĩa đã được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chứng nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

       Về công tác tuyên truyền, phục vụ khách tham quan, hàng năm Bảo tàng và các di tích được xếp hạng trong tỉnh đón trên ba trăm nghìn lượt khách đến viếng, tham quan, nghiên cứu, học tập. Có thể nói, Bảo tàng đã trở thành một trong những địa chỉ uy tín, tin cậy để giới thiệu và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

       Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Vĩnh Long đã khẳng định vị trí của mình với những thành quả đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Những thành quả ấy có được đều gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước mà cụ thể là Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời; sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự quan tâm ủng hộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các vị cách mạng lão thành, các nhà nghiên cứu; cùng với công sức, trí tuệ, tình cảm của nhiều thế hệ lãnh đạo, viên chức tận tụy, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp bảo tồn bảo tàng và sự nghiệp văn hóa.

        Bằng những nỗ lực cố gắng ấy, Bảo tàng đã đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc trong nhiều năm liền; Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bằng khen của Chính phủ, …

       Trong nhiều văn bản, Đảng và Nhà nước đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, sứ mệnh ấy của các hoạt động văn hóa cũng không hề thay đổi, nhất là đối với hoạt động của bảo tàng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Hơn nữa, nhiệm vụ của công tác bảo tàng càng nặng nề hơn vì các biểu hiện xa rời truyền thống, phai nhạt lý tưởng, xuống cấp về đạo đức, lai căng về văn hóa đang diễn biến phức tạp và tác động xấu đến xã hội. Điều đó đòi hỏi ngành Văn hóa nói chung và công tác bảo tàng nói riêng cần tập trung lực lượng nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt hoạt động để thu hút ngày càng đông khách tham quan đến với Bảo tàng, tìm về với các giá trị lịch sử chân chính.

        Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong tình hình mới, Bảo tàng tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, xây dựng Bảo tàng trở thành một điểm đến có sức hút với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng những công việc cụ thể như:

         - Tiếp tục đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiêp vụ cho đội ngũ viên chức để đáp ứng nhu cầu phát triển của Bảo tàng. 

        - Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tàng phục vụ quảng bá di sản văn hóa, chương trình hoạt động, cung cấp thông tin về bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội (Facebook, Twitter...), nhằm khai thác những lợi ích của mạng xã hội và internet để kết nối được giữa người dân có nhu cầu du lịch, tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, tư vấn về các dịch vụ, thông tin khoa học,…của bảo tàng. Tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng, kết nối chặt chẽ với các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút khách tham quan đến với bảo tàng. 

        - Điều tra, nghiên cứu đánh giá nhu cầu khách tham quan, xây dựng các chương trình giáo dục liên kết với các trường học và cộng đồng.

       - Tăng cường sưu tầm, bổ sung cho các sưu tập tư liệu, hiện vật; đặc biệt là sưu tập hiện vật về nông nghiệp để chuẩn bị thành lập Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long.

       - Cải tạo, chỉnh lý nội dung trưng bày; đa dạng hóa các hoạt động của Bảo tàng và các khu di tích; tạo sức hấp dẫn, nhiều thông tin và đầy tính giáo dục để nhằm thu hút đông đảo công chúng đến với Bảo tàng.

       - Bảo tàng cần mở rộng giao lưu, hợp tác với các Bảo tàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bảo tàng tư nhân và đa dạng hoá các nguồn tài trợ để có thể tổ chức những hoạt động mà Bảo tàng mong muốn với chất lượng cao.

       - Đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của bảo tàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng.

                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 365
  • Trong tuần: 5 861
  • Trong tháng: 22 133
  • Tất cả: 321640