Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
Cùng chuyên mục
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN DI TÍCH LỊCH SỬ CĂN CỨ CÁI NGANG
Xin kính chào quý khách! Rất hân hạnh được đón tiếp quý khách đến tham quan Khu di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang.   Kính thưa quý khách, Khu di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang tọa lạc tại ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích là 10,3 ha. Đây là căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long giai đoạn từ năm 1966 – 1975. Cũng chính tại nơi đây, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến giành nhiều thắng lợi trong 2 chiến dịch lớn: chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 góp phần giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

         Xin kính chào quý khách! Rất hân hạnh được đón tiếp quý khách đến tham quan Khu di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang.  

         Kính thưa quý khách, Khu di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang tọa lạc tại ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích là 10,3 ha. Đây là căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long giai đoạn từ năm 1966 – 1975. Cũng chính tại nơi đây, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến giành nhiều thắng lợi trong 2 chiến dịch lớn: chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 góp phần giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

         Kính thưa quý khách, Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm và kể cả trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vĩnh Long luôn giữ vai trò quan yếu về văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự của một vùng đất mới khai khẩn vốn giàu truyền thống, tiềm năng và luôn biến động. Người dân Vĩnh Long thì đôn hậu, nghĩa tình, có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, khi có giặc ngoại xâm thì anh dũng vùng lên chống giặc giữ nước. Hơn thế nữa, Vĩnh Long vốn có địa hình trống trải, không rừng, không núi, hệ thống sông rạch chằng chịt nên việc bám trụ họat động cách mạng là vấn đề sinh tử. Do đó, để lãnh đạo phong trào cách mạng, từ khi chi bộ Đảng đầu tiên (tiền thân của Tỉnh ủy Vĩnh Long) được thành lập cho đến năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long phải thường xuyên di chuyển địa điểm hội họp, hoạt động, khi thì ở trong nhà dân, lúc ngoài vườn, ngoài đồng ruộng,… dưới sự nuôi chứa và bảo vệ của nhân dân. Từ năm 1954 – 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long phải di chuyển trên 29 địa điểm.

         Cho đến năm 1966, trên cơ sở yếu tố bất ngờ về vùng đất, địa hình và lòng dân, Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định chọn vùng đất Cái Ngang thuộc ấp 4 xã Mỹ Lộc (nay thuộc ấp 4 - xã Phú Lộc), huyện Tam Bình làm căn cứ kháng chiến. Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo cho Ban căn cứ tiến hành xây dựng khu căn cứ thành một khu vực tập trung, bao gồm: nhà hội trường, nhà thường trực, nhà ăn, nhà thông tin, nhà quân y, nhà bảo vệ cùng hệ thống hầm công sự, hầm bí mật,… được bố trí khắp nơi trong căn cứ.

         Trong thời gian đầu xây dựng căn cứ, đồng chí Nguyễn Ký Ức giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí cùng với Ban thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các hoạt động trong căn cứ bao gồm các bộ phận chuyên môn: Văn phòng, Ban căn cứ, điện đài, cơ yếu, giao liên bán khai, đội trinh sát kỷ thuật, đội phòng thủ. Trong suốt thời gian từ 1967 đến 1975, căn cứ của ta đóng tại Cái Ngang, dưới sự nuôi chứa và bảo vệ của nhân dân, căn cứ chưa lần nào bị chỉ điểm. Như đồng chí Nguyễn Ký Ức từng nhấn mạnh: “Căn cứ cách mạng Cái Ngang không phải là căn cứ địa mà là căn cứ của lòng dân”.

         Đặc biệt, từ Căn cứ Cái Ngang, Tỉnh ủy vĩnh Long đã phát đi nhiều chỉ thị mang tính lịch sử, là nơi đứng chân chỉ đạo xuyên suốt trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

         Sau hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, trên vùng đất Vĩnh Long còn lưu lại rất nhiều di tích cách mạng minh chứng cho thời kỳ lịch sử hào hùng cần được bảo tồn và phát huy. Để thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn ăn trái nhớ người trồng cây và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành ngày 17/06/1998 về việc phục hồi khu căn cứ cách mạng Cái Ngang nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau hết sức kịp thời, đáp ứng yêu cầu của khoa học – lịch sử của trước mắt và lâu dài. Ngày 23/10/2002 lễ khởi công xây dựng di tích được diễn ra tại ấp 4, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, khánh thành giai đoạn I vào ngày 09/8/2003 và giai đoạn II vào ngày 01/4/2006 với tổng diện tích là 5,2 ha.

         Về tổng thể khu di tích cũng chia làm hai phần lớn: công trình trùng tu tôn tạo và công trình xây dựng mới để phục vụ khách tham quan.

         Các công trình xây dựng mới gồm: nhà lễ tân, nhà trưng bày, nhà dịch vụ, nhà kho, nhà ba gian chữ đinh, tượng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngọt, Nhà bia Căn cứ Tỉnh ủy, bãi đỗ xe, ….

         Các công trình trùng tu tôn tạo như: Bãi lửa, cầu chông, trảng xê (hầm trú ẩn), công sự chiến đấu, hệ thống hầm bí mật, hầm chông, hầm phảng, chuỗi hố bom, lổ phi pháo,…

         Nhà Thường trực xây dựng năm 1967, Nhà Thường trực xây dựng năm 1973, Hội trường Tỉnh ủy xây dựng năm 1973 và các nhà của các bộ phận chuyên môn trong Căn cứ Tỉnh ủy: Nhà ăn, nhà thông tin, nhà quân y, chốt bảo vệ, nhà bảo vệ của Đội phòng thủ,…

         Từ tháng 8 năm 2011, UBND tỉnh Vĩnh Long đã mở rộng Di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang thêm 5,1 ha, giao Tỉnh đội Vĩnh Long xây dựng thêm các công trình phục vụ đợt “Diễn tập phòng thủ tỉnh Vĩnh Long năm 2011” như:  Hội trường Tỉnh ủy, hội trường quân sự và các nhà của các ban ngành đoàn thể khác của Tỉnh. Hiện nay Tỉnh đội Vĩnh Long đã bàn giao cho Ban quản lý Di tích bảo quản và khai thác sử dụng, nâng tổng diện tích của Di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang lên 10,3 ha.

         Trong thời gian đầu thành lập, Di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang là đơn vị trực thuộc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Kể từ tháng 5/2012, Di tích là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 6/2019 Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long sáp nhập về Bảo tàng Vĩnh Long, từ đó đến nay Di tích là đơn vị trực thuộc Bảo tàng Vĩnh Long.

         Ngày 28/10/2016, Di tích được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định số: 3744/QĐ- BVHTTDL công nhận Di tích Lịch sử Căn Cứ Cái Ngang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào tháng 6/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư khởi công xây dựng tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Căn Cứ Cái Ngang và khánh thành tượng Mẹ Ngọt vào ngày 20/12/2018. Đây là công trình văn hóa lịch sử, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm tôn vinh và tri ân những người Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Vĩnh Long nói chung, thông qua hình tượng tiêu biểu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọt.

         Kể từ khi thành lập cho đến nay, di tích đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách tham quan với rất nhiều các đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh hóa, Lâm Đồng, Nha Trang, Vũng Tàu, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Binh Dương, Bình Phước,…và các tỉnh bạn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.; nhất là các em học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, di tích còn hân hoan đón tiếp các vị khách nước ngoài đến tham quan như: Anh, Mỹ, Pháp, Canada, Ailen, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan,...

         Di tích còn phục vụ các lễ hội do tỉnh, huyện tổ chức như: kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lễ hội “Về Cái Ngang hào hùng”, lễ hội “Hội ngộ Cái Ngang – Nghĩa tình Trà Vinh”, “Hành trình theo bước chân những người anh hùng” ,“Tết Quân dân năm 2018”, diễn tập phòng thủ cấp tỉnh năm 2011, 2017; 2022, diễn tập cấp quân khu 2019,… các đợt về nguồn của các ban ngành, các buổi họp mặt, giao lưu, sinh hoạt, cắm trại của các lực lượng đoàn viên, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh, thu hút hàng ngàn lực lượng đoàn viên, thanh niên và học sinh nghe nói chuyện truyền thống và giao lưu học tập tại di tích.

         Ngoài ra, Di tích còn phối hợp phục vụ cho địa phương tổ chức các kỳ Đại hội đảng bộ xã, hội trại tòng quân của xã Phú Lộc, đại hội chi bộ ấp, các buổi họp mặt kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo điều kiện cho các cháu thiếu nhi có sân bãi vui trung thu, sân tập nhgi thức,… Nơi đây còn là nơi sinh hoạt thường xuyên của các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ người cao tuổi. Trong dịp tết Nguyên đán, di tích tổ chức múa lân và chơi trò chơi dân gian,… thu hút hàng ngàn lượt xem mỗi dịp, góp phần tạo không khí  xuân của vùng nông thôn, cùng căn cứ kháng chiến.

         Kính thưa quý khách! Di tích Lịch sử Cách mạng Cái Ngang ngày nay đã trở thành hình ảnh sống động của cuộc kháng chiến hào hùng giành độc lập của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long và là niềm tự hào của quê hương Vĩnh Long. Chúng tôi tin rằng, qua chuyến ttham quan này, quý khách đã cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà thế hệ chiến sĩ cách mạng đã trải qua để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. Những hy sinh gian khổ ấy sẽ được lưu giữ một cách chắc chắn trong lòng mỗi người, làm động lực thúc đẩy chúng ta bằng điều kiện, hoàn cảnh riêng vốn có của mình tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp.

         Xin chân thành cảm ơn quý khách đã đến tham quan khu tích và hẹn gặp lại trong một ngày gần đây nhất!
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 530
  • Trong tuần: 6 026
  • Trong tháng: 22 298
  • Tất cả: 321805