KHẢO SÁT, GIÁM SÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021-2025
Từ ngày 23/4/2024 đến ngày 26/4/2024, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức Đoàn khảo sát, giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025.
Từ ngày 23/4/2024 đến ngày 26/4/2024, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức Đoàn khảo sát, giám sát kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hoạt động giám sát năm 2024 của Ban Văn hóa – Xã hội. Thông qua hoạt động khảo sát, giám sát nhằm nắm rõ thực trạng công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Trên cơ sở đó, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được; làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện công tác xếp hạng, bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Tam Bình, Đoàn đã đến khảo sát các di tích: Nhà lưu niệm Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi (khóm 3, thị trấn Tam Bình), Bia truyền thống Công an tỉnh (ấp Danh Tấm, xã Hậu Lộc), Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (ấp 4, xã Hậu Lộc) và có buổi làm việc với UBND huyện Tam Bình. Toàn huyện hiện có 114 di tích, trong đó 10 di tích được xếp hạng. Từ năm 2021 đến nay, ước tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích khoảng 10,7 tỷ đồng. Nhìn chung, các điểm di tích lịch sử - văn hoá đều hoạt động đúng theo quy định của pháp luật; giữ được nét văn hóa đặc sắc và đặc điểm lịch sử vốn có.
Đoàn khảo sát di tích Bia truyền thống Công an tỉnh
Đoàn làm việc với UBND huyện Tam Bình tại di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang
Tại huyện Trà Ôn, Đoàn đã đến khảo sát các di tích: Chùa Cũ (xã Hựu Thành), Chùa Mới Gia Kiết (xã Tân Mỹ), Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ) và có buổi làm việc với UBND huyện Trà Ôn. Theo thống kê, toàn huyện Trà Ôn hiện có 122 di tích, trong đó, có 1 di tích quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn. Một số di tích chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời dẫn đến xuống cấp, việc xã hội hóa kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích còn gặp khó khăn. Một số di tích được xếp hạng nhưng đường đến di tích chưa thuận lợi gây khó khăn cho việc khai thác, tổ chức các hoạt động tại di tích.
Đoàn khảo sát hạng mục Chánh điện di tích Chùa Cũ
Đoàn khảo sát hạng mục Giảng đường Chùa Mới Gia Kiết
Tại thành phố Vĩnh Long, Đoàn đã đến khảo sát các di tích: Văn Thánh Miếu (phường 4), Công Thần Miếu (phường 5), Đình Tân Giai (phường 3) và có buổi làm việc với UBND thành phố. Trên địa bàn thành phố hiện có 14 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó, có 5 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Từ năm 2001 đến nay, các di tích Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu và Đình Tân Giai được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa gần 11,7 tỷ đồng. Nhìn chung, kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; việc lập dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn gặp nhiều khó khăn.
Đoàn khảo sát di tích Văn Thánh Miếu
Tại huyện Mang Thít, Đoàn đã đến khảo sát Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (xã Tân An Hội). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là điểm tựa vững chắc của cách mạng. Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tại đây diễn ra nhiều hoạt động cách mạng có lúc âm thầm bí mật, có lúc công khai trực diện với kẻ thù, giành thắng lợi lớn trên nhiều mặt. Thánh tịnh được xây dựng và hoàn thành từ năm 1936 với vật liệu không bền vững, đến nay toàn bộ phần gỗ, ngói, vách đã bị hư, nền bị ngập nước vào mùa mưa lũ. Hiện nay, phần chánh điện đã xuống cấp trầm trọng ở nhiều hạng mục, cần được trùng tu hoặc trùng kiến gồm: Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, Bát Quái Đài và Đông Lan.
Đoàn khảo sát di tích Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang
Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát, đại diện các Ban quản lý di tích và các địa phương đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị các di tích. Đoàn khảo sát đã ghi nhận tất cả ý kiến kiến nghị, đề xuất, đồng thời lưu ý các địa phương cần đánh giá kỹ toàn bộ các di tích, khả năng duy trì hoạt động, tôn tạo; có kế hoạch trùng tu phù hợp với điều kiện, phân giai đoạn, phân kỳ định hướng nguồn lực, phương thức, cách thức xã hội hoá; quan tâm xem xét bố trí phục vụ công tác quản lý Nhà nước cho sự nghiệp văn hoá, phục vụ quản lý di tích; quan tâm đến vấn đề đất đai tại các di tích; thống kê, kiểm kê toàn bộ di tích, đề xuất phân hạng theo quy định; tiếp tục tôn vinh, phát huy các giá trị di tích thông qua các lễ hội...
Trong ngày cuối chương trình khảo sát, giám sát, Đoàn đã đến giám sát tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tại buổi làm việc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã báo cáo với Đoàn những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất nhiều giải pháp để phát huy giá trị các di tích.
Đoàn khảo sát, giám sát làm việc tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Đoàn khảo sát, giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được và nêu rõ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Phương - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tổ chức kiểm kê, đánh giá cụ thể mức độ xuống cấp, hư hỏng và nguy cơ của các di tích và đề nghị có giải pháp trùng tu, tôn tạo rõ ràng theo thứ tự ưu tiên; phối hợp cơ quan chuyên môn xác định mức độ lấn chiếm, xâm hại các di tích, có văn bản đề nghị cụ thể để giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những di tích bị xâm hại đất đai nghiêm trọng cần tham mưu giải quyết sớm, đến nơi, đến chốn; rà soát lại toàn bộ các quy hoạch có liên quan đến di tích, tham mưu UBND tỉnh có quyết định phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức rà soát, đánh giá các di tích có đủ tiêu chí theo quy định để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; có giải pháp hỗ trợ giải quyết những khó khăn của các di tích; có kế hoạch phối hợp với UBND thành phố Vĩnh Long để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình bia, tượng đài trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực bảo tồn các di tích./.