Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
TRIỂN LÃM “MÂM NGŨ QUẢ - BÁNH DÂN GIAN, NÉT ĐẸP VĂN HOÁ NGÀY TẾT” MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN GiÁP THÌN 2024
Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá Việt, là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, trao nhau những lời chúc tốt đẹp.

         Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá Việt, là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, trao nhau những lời chúc tốt đẹp.

         Phòng trưng bày hơn 100 hình ảnh, hiện vật có niên đại từ đầu thế kỷ XX được giới thiệu đến khách tham quan ý nghĩa chưng mâm ngũ quả và bánh dân gian ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

 

anh tin bai

 

         Ở mỗi gia đình người Việt dù giàu hay nghèo đều có bàn thờ ông bà, tổ tiên, vừa kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong thực hành tín ngưỡng nơi vùng đất mới. Trên bàn thờ bài trí các đồ thờ tự: Chân đèn, lư hương, bát nhang, cặp lục bình, chò chưng trái cây, trong đó mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu.

 

anh tin bai

 

         Không chú trọng về hình dáng cũng như màu sắc đối với mâm ngũ quả của người dân miền Bắc, người dân miền Nam lại ưa thích lựa chọn về tên gọi của loại quả chẳng hạn như: Mãng cầu là cầu mong được mọi đều tốt lành tên gọi đi đầu trong mâm ngũ quả, sung là cho sung túc, sung mãng, yên vui, dừa là vừa vặn, đầy ấp, đu đủ có ý nghĩa thịnh vượng no ấm, rồi đến xoài phát âm là xài cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn trong năm, người dân hay đọc là “cầu sung dừa đủ xài” ngụ ý một năm sung túc.

         Trên nghi thờ bày trí mâm quả tứ linh: Tượng trưng cho 4 con vật quý “Long, Lân, Quy, Phụng” là biểu tượng của sự giàu sang và quyền lực, đại diện cho giới hoàng tộc ngày xưa, còn là biểu tượng của phong thủy, sự may mắn, thể hiện ước mong mọi chuyện được mưa thuận, gió hòa, công việc suôn sẻ, thuận lợi, ấm áp cho gia chủ; 02 mâm quả Long, Phụng tượng trưng cho đôi uyên ương, cặp đôi này lúc nào cũng bên nhau, không chỉ mang ý nghĩa hòa hợp, hạnh phúc, mà còn đem lại sự thành công, thịnh vượng cho gia chủ. Đặc biệt, Bảo tàng Vĩnh Long chưng mâm quả hình rồng giáng để chào đón năm mới, năm Giáp Thìn 2024 được tạo tác qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian, hứa hẹn sẽ là tác phẩm độc đáo, điểm nhấn thú vị với công chúng tham quan. Rồng là một biểu tượng văn hóa, là một sản phẩm văn hóa tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên – xã hội. Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển của dân tộc, hình tượng rồng còn được gắn các ý nghĩa mới, phù hợp với tính chất thời đại như biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng. Trong tâm thức của người Việt, rồng là cội nguồn của dân tộc – đi ra từ truyền thuyết; trong tư duy nông nghiệp là thần mưa giúp mùa màng bội thu. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật, mâm chưng ngũ quả,.... Qua bao thời kỳ lịch sử, rồng vẫn luôn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo, và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

         Ngoài một số mâm ngũ quả, Bảo tàng còn giới thiệu đến khách tham quan một không gian bếp của mỗi ngôi nhà Nam Bộ xưa với những dụng cụ làm bánh, khuôn bánh, mâm, quả đựng bánh, nấu bánh tét, tráng bánh,…và những sản phẩm bánh ít, bánh tét, bánh in, mứt mãng cầu, mứt chuối, mứt dừa… được người dân Nam bộ tự tay làm từ những loại quả quanh nhà như: Dừa, chuối, bí, mãng cầu… Nếu như Tết ở miền Bắc gói những chiếc bánh chưng để dâng cúng tổ tiên ông bà thì Tết ở miền Nam với những chiếc bánh ít, bánh tét được làm bằng nguyên liệu như bánh chưng. Đây là loại bánh đặc sản của người dân miền Nam. Nguyên liệu của bánh tét gồm gạo nếp, thịt heo, đậu xanh; bánh ít được làm từ bột nếp, đậu xanh, dừa… Bánh tét, bánh ít là những món bánh truyền thống, dân gian của người dân Nam bộ, được sử dụng dâng cúng ông bà, tổ tiên vào những dịp lễ tết, lễ giỗ,…

 

anh tin bai

 

         Tại buổi khai mạc, quý khách không chỉ được tham quan, nghe thuyết minh mà còn được trải nghiệm thưởng thức các loại bánh dân gian đặc sản của Nam bộ vào những ngày Tết cổ truyền, thưởng thức những tách trà và cùng hòa mình vào không gian Tết xưa, lưu lại những bức ảnh check-in độc đáo tại đây.

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

         Với trưng bày chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024 lần này, Bảo tàng Vĩnh Long mong muốn khơi dậy ký ức của người Việt về những dư vị ngày Tết cổ truyền Nam bộ xưa. Đồng thời, thông qua phòng trưng bày để nhắc nhớ cho khách tham quan về những giá trị văn hoá dân gian truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Triển lãm "Mâm ngũ quả - Bánh dân gian, nét đẹp văn hoá ngày tết" sẽ diễn ra tại Bảo tàng Vĩnh Long từ ngày 02/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024 (nhằm ngày 23 tháng chạp đến ngày mùng 5 Tết).
Bài, ảnh: Thuỳ Dương - Phi Khanh
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 105
  • Trong tuần: 4 185
  • Trong tháng: 18 396
  • Tất cả: 273806