Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn
Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06 tháng 12 năm 2012.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc tổ chức tốt các lễ hội, nhất là lễ hội dân gian, truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương là góp phần quan trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho sự phát triển của đất nước toàn diện và bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiện nay, nước ta có trên 1.400 đền thờ Hùng Vương, Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có gian thờ Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền hiền thời Hùng Vương. Hằng năm, tại Bảo tàng Vĩnh Long, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa phần lễ và phần hội, vừa tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn, vừa phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí của Nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, phong phú, an toàn và tiết kiệm; kết hợp được những nội dung truyền thống với hiện đại, có tính giáo dục và thẩm mỹ cao đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.
Hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiên nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức dâng hương, dâng hoa các Vua Hùng vào lúc 7 giờ 30 phút, ngày 18/4/2024 (Mùng 10 tháng 3 âm lịch) tại Nhà thờ Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long (Số 01, Phan Bội Châu, phường 1, TP Vĩnh Long).
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống Lễ hội Văn Thánh Miếu thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long” và “Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” vào lúc 8 giờ, ngày 18/4/2024. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như:
- Triển lãm chuyên đề: “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu hình ảnh”, ngày 17/4/2024
Thực hành gói bánh chưng và làm bánh giầy, ngày 17/4/2024
Giao lưu Đờn ca tài tử lúc 19 giờ, ngày 17/4/2024
Triển lãm trang phục Hát bội và nhạc cụ đờn ca tài tử, ngày 18/4/2024
- Trưng bày, giới thiệu sách chủ đề: "Lễ hội Hùng Vương - Cội nguồn dân tộc, ngày 18/4/2024./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn 126-HD/BTGTW, ngày 25/3/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương;
2. Lê Thái Dũng, “Tìm hiểu về văn hóa thời đại Hùng Vương”, NXB Hồng Đức năm 2017;
3. Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, NXB Dân Trí năm 2020