Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ “LỄ HỘI VĂN THÁNH MIẾU TỈNH VĨNH LONG”
Di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long hiện tọa lạc tại khóm 3, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây là công trình văn hóa đề cao Nho giáo, là biểu tượng cho sự phát triển của Nho học trên vùng đất Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung. Hiện nay, di tích là nơi thờ phụng những danh nhân về văn hóa, giáo dục tiêu biểu và những bậc tiền nhân có công với dân với nước.

         Di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long hiện tọa lạc tại khóm 3, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây là công trình văn hóa đề cao Nho giáo, là biểu tượng cho sự phát triển của Nho học trên vùng đất Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung. Hiện nay, di tích là nơi thờ phụng những danh nhân về văn hóa, giáo dục tiêu biểu và những bậc tiền nhân có công với dân với nước.

 

anh tin bai

Cổng tam quan di tích Văn Thánh miếu

 

         Nguyên vào năm Tự Đức thứ 15 (năm 1862), sau khi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị thực dân Pháp chiếm đóng, các sĩ phu yêu nước tại ba tỉnh này lần lượt lui về miền Tây Nam kỳ, tạo thành phong trào "tỵ địa" phản kháng thực dân Pháp xâm lược. Lúc này, các Văn miếu ở Biên Hoà, Gia Định, Định Tường đã nằm trong vùng thực dân chiếm đóng, vì thế nhu cầu gấp rút xây dựng một Văn miếu ở miền Tây Nam kỳ được đặt ra. Ban đầu, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được dự kiến xây dựng tại làng Tân Sơn, phía Tây Bắc thành Vĩnh Long (nay thuộc địa phận phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long). Tuy nhiên, công trình văn hóa này chưa kịp xây dựng thì thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Vĩnh Long lần thứ nhất (năm 1862) nên việc xây dựng Văn miếu bị đình lại.

         Đến năm 1864, Văn Thánh miếu được xây dựng tại làng Long Châu, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, nằm về phía Đông Nam thành Vĩnh Long. Năm 1866, sau khi công trình xây dựng hoàn thành, triều đình nhà Nguyễn hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp miếu phu để lo việc quét dọn hàng ngày, đồng thời giới quan lại, sĩ phu cũng thành lập Hội Văn Thánh miếu để lo việc trông nom, cúng tế.

         Văn Thánh miếu tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là nơi hoạt động văn hóa, đề cao các bậc hiền tài và giáo dục lòng yêu nước. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đã trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Tây Nam kỳ, các sĩ phu, tao nhân mặc khách từ nhiều nơi quy tụ về đây để đàm đạo thơ phú, luận bàn thế sự. Tại đây chỉ diễn ra lễ tế Đức Khổng Tử theo đúng điển lễ triều đình một lần duy nhất vào năm 1867 trước khi thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Vĩnh Long.

         Sau khi chiếm được tỉnh Vĩnh Long, thực dân Pháp ra sức phá hoại các công trình văn hóa của nhà Nguyễn, trong đó có Văn Thánh miếu. Trước tình hình đó, ông Bá hộ Trương Ngọc Lang, một người hằng tâm hằng sản ở địa phương đã đứng ra điều đình với thực dân Pháp nhằm giữ lại công trình văn hóa này, nhờ đó, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được bảo tồn đến ngày hôm nay.

         Từ khi xây dựng đến nay, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng di tích vẫn giữ được nét kiến trúc như thuở ban đầu, đó là niềm tự hào không chỉ của người dân Vĩnh Long mà của cả miền Tây Nam Bộ. Văn Thánh miếu trở thành biểu tượng văn hóa đề cao tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

         Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc - nghệ thuật, năm 1991, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia, loại hình di tích kiến trúc - nghệ thuật.

         Hằng năm, tại Văn Thánh miếu tổ chức bốn kỳ lễ hội chính: Lễ Xuân đinh (vía ngày mất Đức Khổng Tử, tổ chức vào ngày đinh đầu tháng 02 âm lịch), Lễ Thu đinh (vía ngày sinh Đức Khổng Tử, tổ chức vào ngày đinh cuối tháng 8 âm lịch), Lễ giỗ Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản (tổ chức vào ngày mùng 04 – 05 tháng 7 âm lịch) và Lễ giỗ các quan đại thần (tổ chức vào ngày 12 – 13 tháng 10 âm lịch). Các lễ hội này có lịch sử hình thành lâu đời, được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có lúc bị gián đoạn nhưng đến nay lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long vẫn có sức lan tỏa, phát triển và trở thành một trong những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa tham dự. Lễ hội Văn Thánh miếu thể hiện lòng tri ân sâu sắc của cộng đồng người dân địa phương đối với công lao của các bậc tiền nhân. Từ bao đời nay, các thế hệ người dân cứ nối tiếp nhau góp công, góp sức để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Văn Thánh miếu.

 

anh tin bai

Nghi thức tựu vị lễ trong Lễ Xuân đinh

 

         Tại lễ hội Văn Thánh miếu, các nghi thức lễ truyền thống được thực hiện đầy đủ, bài bản, gồm các nghi thức lễ truyền thống như “Nghênh rước Đức Khổng Tử”, “khởi chung cổ”, “Củ soát lễ vật”, nghi tiết dâng hương, dâng rượu, dâng trà, “Ẩm phước thọ tộ”, “Hóa văn tế”.

         Sau khi hoàn tất các nghi thức lễ truyền thống, mọi người cùng hòa mình vào không khí hội hè với tinh thần vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như múa lân, giao lưu Đờn ca tài tử, tham dự các trò chơi dân gian, tổ chức chương trình giáo dục tìm hiểu về di tích Văn Thánh miếu, viết thư pháp… qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết của cộng đồng người dân địa phương.

 

anh tin bai

Hoạt động cho chữ thư pháp

 

anh tin bai

Chương trình giáo dục tìm hiểu về di tích Văn Thánh miếu

 

anh tin bai

Chương trình giáo dục tìm hiểu về di tích Văn Thánh miếu

 

anh tin bai

Tổ chức các trò chơi dân gian

 

         Thông qua việc tổ chức các nghi thức lễ truyền thống và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại lễ hội Văn Thánh miếu, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Vĩnh Long, về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông và giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, giúp chúng ta ý thức được giá trị của lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp này.

         Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, Bảo tàng Vĩnh Long đã thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long”, tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 98
  • Trong tuần: 4 178
  • Trong tháng: 18 389
  • Tất cả: 273799