Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
NGHỀ LÀM TÀU HŨ KY TRUYỀN THỐNG XÃ MỸ HÒA, THỊ XÃ BÌNH MINH – DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Ngược dòng thời gian, vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, những biến động của thời cuộc đã đưa đẩy nhiều người Hoa ở Trung Quốc xuôi dạt xuống phương Nam. Từ quê hương bản quán xa xôi, họ mang theo nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đến vùng đất này, trong đó có nghề làm tàu hũ ky. Năm 1912, ông Châu Xường người Quảng Đông cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh (1894 - 1974), Châu Sầm (1900 - 1973) sang Việt Nam làm ăn sinh sống và nghề làm tàu hũ ky là nghề gia truyền.

         Ngược dòng thời gian, vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, những biến động của thời cuộc đã đưa đẩy nhiều người Hoa ở Trung Quốc xuôi dạt xuống phương Nam. Từ quê hương bản quán xa xôi, họ mang theo nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đến vùng đất này, trong đó có nghề làm tàu hũ ky. Năm 1912, ông Châu Xường người Quảng Đông cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh (1894 - 1974), Châu Sầm (1900 - 1973) sang Việt Nam làm ăn sinh sống và nghề làm tàu hũ ky là nghề gia truyền. Ban đầu gia đình người Hoa ấy đặt chân đến là vùng Sa Đéc nhưng chỉ vài tháng sau họ chuyển về Cái Vồn và chọn Mỹ Hòa để sinh cơ lập nghiệp. Nghề được truyền trong dòng họ nhưng vẫn thuê những hàng xóm đến phụ giúp, dần dần người Việt trong xóm cũng đã theo nghề làm tàu hũ ky của người Hoa, học được kỹ thuật và bí quyết của nghề này - từ đó hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, làng nghề cũng có lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ bị mất đi.

         Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều làng nghề, riêng nghề làm tàu hũ ky như: Đồng Tháp, An Giang, rộng ra là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai,… Nhưng điều làm nên sự khác biệt của tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa đó là giữ được “chất” truyền thống, sự lâu đời của làng nghề. Làng nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa ít có sự thay đổi về quy trình chế biến cũng như công cụ sản xuất. Khi quan sát tham dự và phỏng vấn tại các “lò” tàu hũ ky, “thợ” lẫn chủ cơ sở sản xuất đều cho rằng “trước làm sao, giờ làm vậy”, gần như không có sự khác biệt so với trước đây. Chính sự lâu đời làm nên giá trị văn hóa, “cái hồn, cái lửa” của làng nghề là đặc trưng đầu tiên của tàu hũ ky truyền thống. Hai là, tàu hũ ky chỉ làm nguyên chất từ hạt đậu nành xay nhuyễn và nấu lên, không bỏ bất cứ phụ gia gì - là yếu tố làm cho sản phẩm tồn tại đến bây giờ. Ngày nay, do đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên thì các nhu cầu về hưởng thụ cũng ngày càng tăng. Một số công đoạn trong quy trình sản xuất tàu hũ ky được thay thế bằng máy móc để đáp ứng nhu cầu về số lượng và tiết kiệm nhân công, tuy nhiên chỉ thay thế trong việc sử dụng điện, máy móc trong việc tách vỏ đậu còn các công đoạn khác trong quá trình sản xuất đều phải đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của người thợ.

anh tin bai

Một trong những công đoạn của quy trình chế biến tàu hũ hy

         Ưu điểm của các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa là độ thơm, béo đặc trưng và đặc biệt là độ “tươi, mới” của sản phẩm. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là hạn sử dụng của sản phẩm tương đối ngắn – chỉ từ ba đến năm ngày nên việc xuất khẩu ra nước ngoài hay bán đến các tỉnh xa là điều khó khả thi.

         Về ý nghĩa của tàu hũ ky có người cho là loại thức ăn chế biến từ đậu nành nơi đất khách quê người (Ky: có nghĩa là ở đậu; đất khách quê người - theo giải thích của Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường và từ điển Hán - Việt). Vì thế hệ người Hoa ban đầu là lớp người nghèo khó đi tha phương cầu thực, nỗi niềm mong ước của họ là sẽ lạc diệp quy căn nhưng sau quá trình chung sống và hòa nhập, dần dần họ coi nơi đây là quê hương thứ hai và con cháu họ đã nhận ra rằng đây là nơi lạc địa sinh căn và bám rễ vững chắc nơi mảnh đất mà cha ông xưa từ thuở lưu lạc đã tìm đến.

         Cư dân ở xóm nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa không thờ nhân vật tổ nghiệp nào cụ thể, nhưng cũng có tín ngưỡng cúng ông lò. Họ cúng vào ngày mùng 02 và 16 âm lịch hàng tháng, thức cúng gồm con gà luộc, trái cây, trà bánh,... tất cả được bày trên mâm, đặt ngay trên thành bếp lò. Khi cúng, chủ lò khấn vái xin ông lò phù hộ cho lò tàu hũ ky được làm ăn thuận lợi, bán buôn suôn sẻ, cầu mong các mẻ nấu được tốt, không bị hư, cầu cho người trong lò được “lành tay lành chân”. Mỗi ngày xóm tàu hũ ky Mỹ Hòa cung cấp cho thương lái đến mua tận nơi, lượng tiêu thụ tàu hũ ky nơi đây luôn giữ được ổn định. Nhiều nhà trở nên khá giả, không ngừng tăng sản lượng.

Với khoa học kỹ thuật hiện nay, việc thay thế các công cụ làm nghề tàu hũ ky để có thể sản xuất lượng lớn sản phẩm nhưng những nghệ nhân – chủ của những cơ sở, lò sản xuất tàu hũ ky truyền thống tại xã Mỹ Hòa vẫn hướng đến việc giữ gìn những giá trị truyền thống trong nghề. Hiện nay, các lò vẫn sử dụng giàn lò truyền thống, với những chiếc chảo gang to cũ kỹ, những thanh tre dùng để phơi những miếng tàu hũ ky. Bước vào không gian lò tàu hũ ky đang nấu cứ như bước vào một không gian khác đặc quánh mùi thơm từ củi, từ khói, từ đậu và tiếng sôi rất nhẹ của chảo nước đậu đang kết lại thành từng miếng tàu hũ ky thơm béo. Tất cả những điều này tạo nên hương vị đặc trưng của tàu hũ ky gia truyền.

anh tin bai

Tàu hũ ky thành phẩm

         Có thể khẳng định rằng, để làm ra một miếng tàu hũ ky truyền thống thì kinh nghiệm và kỹ năng của người nghệ nhân là điều quan trọng nhất: từ việc “chặt đậu” sao cho vừa vì chặt chín quá thì thợ nấu không được, chặt sống quá thì mất ký cho đến việc canh lửa sao cho đều và đủ nhiệt rồi đến việc vớt từng miếng, từng miếng tàu hũ ky sao cho nguyên vẹn, độ dày đạt chuẩn và màu sắc đẹp. Mỗi lò lại có một công thức riêng để ngâm đậu, mỗi nghệ nhân lại có những kinh nghiệm, kỹ năng riêng trong việc canh lửa, vớt tàu hũ ky, canh màu sắc, độ dày riêng - điều đó mang đến cho người tiêu dùng không chỉ những sản phẩm có chất lượng mà còn có phảng phất đâu đó cái hồn và nét văn hóa đặc trưng của những nghệ nhân làm nên sản phẩm.

anh tin bai

Tàu hũ ky được chế biến thành món ăn

         Tàu hũ ky là loại thực phẩm quen thuộc của người Hoa, chủ yếu được dùng để chế biến thức ăn. Nó chiếm một lượng tiêu thụ đáng kể do tập quán ăn chay trường hoặc ăn chay nhiều ngày trong tháng của tín đồ các tôn giáo và cư dân vùng Nam Bộ. Loại thực phẩm này luôn có được thị trường ổn định, nhất là được tiêu thụ với số lượng lớn tại các chùa chiền, trong tiệm cơm chay, trong vùng dân cư theo đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo vì tín đồ theo các tôn giáo này ăn chay thường xuyên. Vì vậy, vào các dịp lễ đến xóm tàu hũ ky rất nhộn nhịp vì lò nào cũng làm tàu hũ ky để bán các bạn hàng của mình và nhiều khách lẻ đến mua với số lượng lớn để “cúng dường” cho các chùa, thánh thất,... Tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa được tiêu thụ trong tỉnh và các vùng phụ cận, tuy nhiên tàu hũ ky ở những địa phương khác như Bến Tre, Tiền Giang cũng có lò nhưng tàu hũ ky ở Mỹ Hòa được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì danh tiếng và chất lượng.

anh tin bai

Sản phẩm tàu hũ ky được bày bán ở chợ

         Hiện nay, Vĩnh Long có 23 làng nghề truyền thống đã được công nhận, trong đó có nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa. Năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể“Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” và tổ hợp tác tàu hũ ky Mỹ Hòa cũng được thành lập do ông Đinh Công Hoàng làm chủ nhiệm.

         Năm 2019, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) của tỉnh Vĩnh Long, làng nghề tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa cũng được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, đây cũng là một chứng nhận thương hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường. Với việc xây dựng thương hiệu, có chính sách quảng bá tốt, gắn với việc phát triển hài hòa giữa du lịch và sản phẩm du lịch, trong đó bản sắc văn hóa truyền thống phải giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề nói chung và làng nghề làm tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa nói riêng; góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

         Ngày 04/8/2022, “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1832/QĐ-BVHTTDL.

         Ngày 03/4/2023, tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”.

anh tin bai

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long trao Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”.

                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 657
  • Trong tuần: 4 620
  • Trong tháng: 25 056
  • Tất cả: 199895