Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
TƯỢNG NỮ THẦN SARASVATI
Tượng được ông Lê Văn Thông phát hiện dưới lòng sông Cổ Chiên - một chi nhánh của Tiền - đoạn chảy qua Vĩnh Long, trong quá trình khai thác cát trên đoạn sông này thuộc xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào tháng 11 năm 2016. Sau khi phát hiện, pho tượng ông Lê Văn Thông đã ủy thác cho Đại Đức Thích Đức Hiền, trụ trì chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lưu giữ vào tháng 11 năm 2016. Tượng được Đại Đức Thích Đức Hiền, trao tặng cho Bảo tàng Vĩnh Long ngày 02/4/2017.
anh tin bai

 

         Tượng được ông Lê Văn Thông phát hiện dưới lòng sông Cổ Chiên - một chi nhánh của Tiền - đoạn chảy qua Vĩnh Long, trong quá trình khai thác cát trên đoạn sông này thuộc xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào tháng 11 năm 2016. Sau khi phát hiện, pho tượng ông Lê Văn Thông đã ủy thác cho Đại Đức Thích Đức Hiền, trụ trì chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lưu giữ vào tháng 11 năm 2016. Tượng được Đại Đức Thích Đức Hiền, trao tặng cho Bảo tàng Vĩnh Long ngày 02/4/2017.

         Di tích khảo cổ học Thành Mới trải rộng trên địa bàn ấp Ruột Ngựa, ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp và ấp Bình Thành, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm. Thành Mới  là một khu vực có những công trình kiến trúc cổ và tượng cổ thuộc văn hóa Óc Eo. Theo công bố của Louis Malleret trong công trình Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long (L’Archéologie du Delta du Mékong), tập IV năm 1963, trong mục giới thiệu Giồng Vũng Liêm và vùng phụ cận, Louis Malleret cho biết ở làng Phong Thới, tổng Bình Trung, tỉnh Vĩnh Long đã tìm được một tượng thần Vishnu và một Linga; ở chùa Trung Hậu gần trung tâm Vũng Liêm có một tượng Uma bằng đá (pl. XII); ở làng Trung Điền, tổng Bình Trung, tỉnh Vĩnh Long tìm được một trượng Phật đứng bằng đá (pl. XXVIII) và một tượng Di Lạc (Maitreya) đứng bằng đá (pl.XXXVIII). Hai tượng này đã được chuyển về Bảo tàng Sài Gòn (Musée de Saigon) (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) với ký hiệu: Tượng Phật Trung Điền MBB 2200; Vishnu chuyển hóa thành Di Lạc Trung Điền MBB 2201 (Visnu transformé en Maitreya de Trung Diền) (Louis Malleret 1963: pp38-41). MBB là viết tắt tên đầu tiên của Bảo tàng: Musée Blanchard de La Brosse còn việc Louis Malleret cho tượng Vishnu chuyển hóa thành Di Lạc Trung Điền là không chính xác mà chỉ là tượng Di Lạc, vì lúc này Phật được xem là hóa thân thứ 9 trong 10 hóa thân của thần Vishnu. Vì vậy, tượng Di Lạc Trung Điền vừa có yếu tố Vishnu (4 tay, tay phải trên cầm bánh xe Chakra – biểu tượng của trí tuệ và Mặt trời, tay phải dưới cầm hoa sen – sự tinh khiết của vũ trũ, tay trái dưới tỳ lên cây chùy  - quyền trượng duy trì trật tự) vừa có yếu tố của Di Lạc (mũ trụ đội đầu có các lớp tóc tết có tháp Stupa 11 tầng ở giữa – biểu tượng của đức Phật, tay phải trên cầm bánh xe pháp luân – pháp Phật đang chuyển động, tay phải dưới cầm hoa sen – sự thanh tịnh, giải thoát) (Đặng Văn Thắng 2017: 164).

         Việc tìm thấy tượng nữ thần dưới lòng sông Cổ Chiên, trên địa bàn xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm - lân cận xã Trung Hiệp có thể nhận định rằng việc xuất hiện của tượng không phải một điều ngẫu nhiên mà cho thấy phạm vi của di tích không chỉ nằm trên địa phận của các xã Trung Hiệp và Trung Hiếu mà có thể rộng hơn. Niên đại của khu di tích Thành Mới từ thế kỷ IV đến thế kỷ XII (Đăng Văn Thắng (chủ biên) 2017: 314). Hơn nữa, việc tìm được tượng thuộc văn hóa Óc Eo ở lòng sông không phải là mới, trước đây đã tìm được tượng thần Vishnu ở lòng sông Đồng Nai và đang trưng bày ở Bảo Tàng Đồng Nai.

         Tượng nữ thần được chế tác trên sa thạch, được tạc liền khối, tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn bệ hình chữ nhật (dài 36cm, rộng 23 cm, dày 6,5cm), có khung đỡ hình chữ U, tượng cao 113cm. Đầu nữ thần tóc tết và búi tóc cao trên đầu, phía trước tóc tạo thành lọn, cắt ngang trên trán (hình 1), đuôi tóc xõa phía sau tết lọn bồng bềnh thành năm tầng, buông xuống bờ vai (hình 2). Nữ thần có nét mặt nghiêm trang, đôi mắt khép hờ như đang chìm sâu trong thiền định, hai hàng lông mài tạo thành gờ dài và cong giao nhau, mũi cao thẳng, đầu mũi nhỏ tạo nét thanh tú, nhân trung sâu. Khuôn mặt nữ thần có vẻ đẹp đầy đặn cân đối, thanh tú, hiền hòa. Tai dài, miệng như đang mỉm cười, vành môi hình trái tim có đường viền môi rất sắc nét, cằm có đường chẻ đôi được thể hiện rất tinh tế. Vóc dáng nữ thần tuyệt đẹp, bờ vai tròn, ngực không to và không căng tròn thể hiện người phụ nữ có nhiều con, eo thắt, thân hình cân đối. Tay phải của nữ thần bị gãy mất một đoạn, tay trái cầm bình nước kendi mang ý nghĩa tạo sự tốt lành. Chân tượng thẳng, hai bàn chân đứng hơi dang ra, các móng chân được thể hiện rõ. Thần mặc váy dài đến cổ chân, vạt trước dài buông nổi tạo nếp gấp ở giữa có hình đuôi cá, hai bên váy có những nếp gấp đối xứng tạo nên sự duyên dáng mềm mại cho trang phục. Pho tượng có một vẻ đẹp hấp dẫn, đường nét mang tính nghệ thuật cao (hình 3). Chính việc nữ thần cầm bình nước Kendi, loại bình nước mà thần Brahma cầm trên tay (hình 4) nên có thể xác định đây là nữ thần Saraswati, vợ của thần Brahma.

 

anh tin bai

 

       Sarasvati (tiếng Phạn: सरस्वती, Sarasvatī ) là một vị thần trong đạo Hindu (Nữ thần Devi), thần của tri thức, âm nhạc, nghệ thuật và thiên nhiên. Bà là một trong ba vị thần bao gồm Sarasvati, Lakshmi và Parvati. Ba nữ thần cùng nhau hỗ trợ các nam thần là Brahma, Vishnu và Shiva trong sự sáng tạo, duy trì sự sống và sự hủy diệt của vũ trụ[1]. Sarasvati là nữ thần của các dòng sông và trí tuệ. Sarasvati là vợ của thần Brahma được các tín đồ Hindu, Kỳ Na và Phật giáo tôn kính. Được nói đến trong kinh Vệ Đà, bà đã một thời được thờ như một dòng sông. Tòa sen bà ngồi là một sự gợi nhắc mối liên hệ với dòng sông, làm nổi bật vai trò một người mẹ nhiều con và tạo nên sự sống nơi bà. Dần dần, bà được biết đến như một nữ thần của ngôn từ và học tập, biểu tượng của thơ ca, âm nhạc cùng tất cả mọi hoạt động tinh thần (John Bowker [chủ biên] 2003: 41). Tên của bà nghĩa là: “Mẹ của dòng sông”, bà được xem là quyền năng của thần Brahma và cũng là người vợ của thần. Nữ thần Sarasvati giữ một một vai trò rất lớn trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm: các dòng sông, sự màu mỡ, sự giàu sang, sách vở, học vấn, thơ ca, âm nhạc, khoa học, toán học, niên lịch, ma thuật, sự sáng tạo, sắc đẹp, và nghệ thuật[2].

         So sánh với các tượng thuộc văn hóa Óc Eo có thể xếp tượng có niên đại thế kỷ VI-VII.

         Nhận xét:

         Tượng nữ thần Sarasvati tìm được ở dòng sông Cổ Chiên, thuộc khu di tích văn hóa Óc Eo ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đây là pho tượng nữ thần cực kỳ quý hiếm lần đầu tiên tìm được, được chế tác từ đá sa thạch, có hình thức rất tinh xảo và độc đáo, được xem là một trong những tác phẩm đẹp của văn hóa Óc Eo đang được lưu giữ trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Vĩnh Long.

         - Giá trị lịch sử

         Tượng nữ thần Sarasvati ở Vũng Liêm là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam bộ cũng như lịch sử Việt Nam; Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam, Ấn Độ và Đông Nam Á; Hiện vật cũng góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử du nhập của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam.

         Giá trị văn hóa

         Tượng nữ thần Sarasvati ở Vũng Liêm là một kiệt tác văn hóa thể hiện ở chất liệu đá và kiểu dáng theo phong cách của tượng thuộc văn hóa Óc Eo; là một tác phẩm nghệ thuật và là một hiện vật nổi bật thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa việt Nam và Ấn Độ; trở thành một nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Óc Eo.

         Giá trị khoa học

         Tượng nữ thần Sarasvati ở Vũng Liêm là một tư liệu khoa học mà nhiều ngành khoa học khác nhau có thể tiếp cận nghiên cứu như: lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học, tôn giáo học, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ…

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

Bài, Ảnh: Đặng Văn Thắng, Lê Ngọc Anh, Lê Thị Huỳnh Trang
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 2 747
  • Trong tháng: 12 699
  • Tất cả: 353457