Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
Cùng chuyên mục
DI TÍCH KHÁM LỚN VĨNH LONG: NƠI LƯU DẤU TINH THẦN YÊU NƯỚC KIÊN TRUNG
Bắt đầu công việc thuyết minh viên tại Bảo tàng Vĩnh Long vừa tròn 1 năm, tôi may mắn được lãnh đạo Bảo tàng Vĩnh Long tin tưởng giao nhiệm vụ thuyết minh tại phòng trưng bày di tích Khám lớn Vĩnh Long. Với tôi đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà tôi cần cố gắng hoàn thành tốt. Quá trình tìm hiểu và thuyết minh tại nơi đây đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Bởi đây không chỉ là một nhà tù từng tồn tại 60 năm trên quê hương tôi mà còn là nơi ghi dấu những tội ác của thực dân Pháp và dế quốc Mỹ xâm lược; nơi lưu lại những câu chuyện cảm động, đáng khâm phục của ông cha ta về  tinh thần đấu tranh dũng cảm, bền chí, kiên trung.

         Bắt đầu công việc thuyết minh viên tại Bảo tàng Vĩnh Long vừa tròn 1 năm, tôi may mắn được lãnh đạo Bảo tàng Vĩnh Long tin tưởng giao nhiệm vụ thuyết minh tại phòng trưng bày di tích Khám lớn Vĩnh Long. Với tôi đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà tôi cần cố gắng hoàn thành tốt. Quá trình tìm hiểu và thuyết minh tại nơi đây đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Bởi đây không chỉ là một nhà tù từng tồn tại 60 năm trên quê hương tôi mà còn là nơi ghi dấu những tội ác của thực dân Pháp và dế quốc Mỹ xâm lược; nơi lưu lại những câu chuyện cảm động, đáng khâm phục của ông cha ta về  tinh thần đấu tranh dũng cảm, bền chí, kiên trung.

         Di tích Khám lớn Vĩnh Long tọa lạc tại số 1, đường Phan Bội Châu, phường 1, thành phố Vĩnh Long, nằm kề bên khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long. Khám lớn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, đây là nơi đã giam cầm nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh, các chiến sĩ cộng sản và những người ái quốc. Với những ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long có chủ trương đầu tư công trình tu bổ, phục dựng, trưng bày di tích Khám lớn. Ngày 18/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 146/QĐ- UBND Về việc xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh cho di tích Khám lớn Vĩnh Long.

 

anh tin bai

 

        Khám lớn Vĩnh Long trước đây có tổng diện tích là 4000m2, bao gồm khu A và khu B được xây dựng kiên cố. Xung quanh khám là bức tường bê tông (dày 40cm, cao 3,25m) trên tường cắm nhiều mảnh thủy tinh sắc nhọn, giăng mắc các lớp dây kẽm gai. Mỗi góc có một vọng gác, cổng chính ở khu A. Sau giải phóng, khu A đã được cải tạo lại thành chợ để phục vụ dân sinh. Khám lớn hiện tại còn lại khu B, với diện tích 1224,4m2, bên trong có 20 phòng giam.

 

anh tin bai

 

        Thuyết minh tại phòng trưng bày di tích Khám lớn Vĩnh Long với tôi không hoàn toàn là công việc mà còn là một phần trách nhiệm của bản thân. Là thế hệ trẻ lớn lên trong giai đoạn đất nước hòa bình, được thừa hưởng thành quả mà ông cha đi trước đã đổ xương máu gìn giữ. Trong tôi luôn tự hào và nhận thấy bản thân mình có trách nhiệm truyền tải những ý nghĩa to lớn, tích cực đó đến với khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua quá trình tiếp cận công việc tại di tích Khám lớn, rất nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi: “Sao ngày xưa các cụ lại có thể kiên gan, dũng cảm đấu tranh khi mà sống chết của bản thân mình trong tay kẻ thù định đoạt?”. Tôi đã từng xúc động nhiều lần trước những câu chuyện của các bà, các mẹ đấu tranh với địch ngay khi bị giam cầm trong khám bởi bà tôi cũng đã từng bị chúng bắt giam tại đây trong lúc bụng mang dạ chửa. Chúng bắt giam bà để gây sức ép với ông tôi khi đó là cán bộ hoạt động bí mật. Nhưng bà tôi có lẽ là một trong số ít những người còn may mắn vì bà có thể sinh chú ra đời lành lặn, mạnh khỏe và bình an khi ra tù. Tại Khám lớn Vĩnh Long, biết bao con người đã phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”. Tôi ấn tượng nhất với câu chuyện về cô Nguyễn Thị Cúc, người cán bộ Hội phụ nữ xã Mỹ An, huyện Mang Thít bị địch dùng đinh nhọn đóng vào các đầu ngón tay cô. Khi đó cô nhìn thẳng vào chúng với ánh mắt sắc lẹm và điềm nhiên hỏi: “Giờ muốn đóng bao nhiêu cây?”. Bọn chúng trả lời “Một đầu ngón tay một cây.”. Ngay lập tức cô dùng 10 cây đinh đâm vào các đầu ngón tay mình và đập lên bàn. Máu từ 10 đầu ngón tay chảy đầm đìa. Quá bất ngờ, bọn chúng sửng sốt nhìn và dừng cuộc dụng hình tra khảo với cô. Sau khi trả cô Cúc về phòng giam, các chị em nữ tù khác xót xa xúm lại chăm sóc vết thương cho cô, gặng hỏi cô sao dám làm như vậy. Cô nói “Thà tự đóng đinh một lần sẽ đỡ đau hơn là để cho kẻ địch hành hạ từ từ.”. Nhục hình của kẻ địch đã không làm khuất phục được ý chí của người chiến sĩ cách mạng; càng làm cho đồng chí, đồng đội trong tù thêm cảm phục, đoàn kết hơn, siết chặt hàng ngũ cách mạng ngay trong chốn lao tù.

       Tại phòng biệt giam này, năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm từng biệt giam bác Hồ Minh Mẫn. Mang án tử hình, chờ ngày lên máy chém nhưng trong bác vẫn sáng ngời tinh thần lạc quan cách mạng. Bác tranh thủ mọi lúc, mọi đối tượng để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng Việt Nam. Từ những người bạn tù, đến cảnh sát, giám thị, bác đều tuyên truyền về đường lối, lý tưởng cách mạng, vạch trần âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai, bẻ gãy mọi luận điệu xuyên tạc của địch. Trong bốn bức tường kín bưng, bác Mười Mẫn đã đập muỗi để vẽ lá cờ nước lên tường, máu đỏ làm nền cờ, màu vàng của tường làm ngôi sao vàng 5 cánh và nghiêm trang làm lễ chào cờ mỗi buổi sáng. Suy nghĩ đến giờ phút lên máy chém, bác đã làm thơ để đọc trước dân chúng. Bác đã cắn đầu ngón tay mình lấy máu viết lên tường phòng biệt giam bốn câu thơ: “Máu ta tô thắm màu cờ/ Thây ta xây đắp cỏi bờ thêm tươi/ Đầu ta dù bị đoạn rơi/ Chí ta sống mãi muôn đời vì dân”.

 

anh tin bai

 

        Câu chuyện đấu tranh của bác đã trở thành biểu tượng cách mạng sáng ngời ngay trong chốn ngục tù. Ngày nay, khi đến với di tích Khám lớn Vĩnh Long, khách tham quan sẽ được tận mắt thấy và nghe thuyết minh về những khoảnh khắc của bác Mười Mẫn để hiểu hơn về người chí sĩ cộng sản đáng kính Hồ Minh Mẫn.

         Di tích Khám lớn Vĩnh Long là nơi gìn giữ, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn, tôn kính những người đã ngã xuống để có được độc lập, tự do. Trong mỗi tấc đất hôm nay đều thấm đẫm xương máu ông cha ta đổ xuống giành lại hoà bình cho quê hương, đất nước. Hi vọng di tích Khám lớn Vĩnh Long sẽ là điểm đến mà khách tham quan không thể bỏ lỡ trong hành trình tìm hiểu văn hoá, lịch sử khi đến du lịch tại Vĩnh Long.

 

anh tin bai

 

anh tin bai
Bài, Ảnh: Hồ Thị Thùy Dương
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 2656
  • Trong tuần: 7 488
  • Trong tháng: 17 279
  • Tất cả: 179068