Ngày 19/7/2024, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học di tích đình Phước Định, tại ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Ngày 19/7/2024, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học di tích đình Phước Định, tại ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Chủ trì hội thảo ông Nguyễn Xuân Hoanh – Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tham dự hội thảo có ông Trương Quang Phú – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh; bà Nguyễn Thị Bích Tuyền – Trưởng phòng nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Sơn – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; ông Trần Văn Biết – Trưởng phòng Tín ngưỡng, tôn giáo, Sở Nội vụ; ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Long Hồ; ông Võ Văn Tám – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Long Hồ; ông Lê Minh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện Long Hồ; bà Nguyễn Kim Oanh – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Long Hồ; ông Phạm Minh Phú – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước; lãnh đạo Bảo tàng Vĩnh Long, Phòng Quản lý Văn hóa và gia đình; Ban hội hương đình Phước Định cùng các nhân chứng trên địa bàn xã Bình Hòa Phước.
Đình Phước Định được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX tại vàm Thủ (cặp sông Cổ Chiên) và được sắc phong vào năm Tự Đức thứ năm (1853). Sau đó, vàm Thủ bị sạt lỡ nên đình được dời về vị trí hiện nay vào năm 1888. Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền và những người có công khai khẩn thôn Phước Định xưa.
Hàng năm, đình Phước Định tổ chức hai lệ cúng chính: lễ Xuân thủ (ngày mùng 10 tháng giêng) và lễ Kỳ yên (ngày 16 - 17 tháng 3 âm lịch).
Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính quyền Việt Minh toàn dân thực hiện lệnh “tiêu thổ kháng chiến”. Ban hội hương đình Phước Định và người dân địa phương đã thiêu hủy ngôi đình nhằm không để quân Pháp chiếm đóng.
Hiện nay, đình còn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: sắc thần, các di văn chữ Hán trên các hoành phi, liễn đối có giá trị cao,... Đồng thời, lưu giữ những bài văn tế từ đầu thế kỷ XX, đây là nguồn tư liệu quý ít ngôi đình nào có được. Đặc biệt, đình Phước Định tọa lạc cùng vị trí và có mối quan hệ mật thiết với đàn Tiên Nông Vĩnh Long (1836). Tại miền Tây Nam Kỳ, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng duy nhất đàn Tiên Nông ở tỉnh Vĩnh Long (1836) cho thấy tầm quan trọng về kinh tế nông nghiệp, tính trọng nông ở Vĩnh Long - vùng đất trung tâm lục tỉnh Nam kỳ lúc bấy giờ.
Đình Phước Định nằm trên cù lao Bình Hòa Phước với nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn, nhà cổ, các di tích tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia,… Đặc biệt, đình Phước Định ẩn mình trong “làng mai vàng Phước Định” - “Thủ phủ mai vàng” điểm du lịch văn hóa cộng đồng về làng nghề độc đáo của người dân bản địa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về Lý lịch di tích, Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, nhằm bổ sung thông tin, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, trình UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.
Ông Tào Phú Vinh - Viên chức phòng Quản lý Di tích Bảo tàng Vĩnh Long thông qua Lý lịch di tích đình Phước Định
Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Vĩnh Long thông qua đề dẫn đóng góp lý lịch di tích đình Phước Định.
Ông Trương Quang Phú - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long phát biểu đóng góp ý kiến cho lý lịch di tích đình Phước Định.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến đóng góp và phát biểu kết luận hội thảo.