Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
ĐẶT TÊN 1 TUYẾN ĐƯỜNG VÀ ĐỔI TÊN 1 TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRÀ ÔN
Ngày 10/7/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Nghị quyết số 178/NQ-HĐND về việc đặt, đổi tên đường trên địa bàn huyện Trà Ôn. Theo đó, đặt tên đường Võ Thị Sáu cho đoạn đường huyện lộ 70 đi ngang qua thị trấn Trà Ôn, chiều dài 868m, mặt đường 4,5m. Phân cấp đường đô thị, điểm đầu từ giáp đường Trưng Trắc, điểm cuối đến giáp đường 8 tháng 3, hiện trạng chưa có tên đường.

         Ngày 10/7/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Nghị quyết số 178/NQ-HĐND về việc đặt, đổi tên đường trên địa bàn huyện Trà Ôn.

          Theo đó, đặt tên đường Võ Thị Sáu cho đoạn đường huyện lộ 70 đi ngang qua thị trấn Trà Ôn, chiều dài 868m, mặt đường 4,5m. Phân cấp đường đô thị, điểm đầu từ giáp đường Trưng Trắc, điểm cuối đến giáp đường 8 tháng 3, hiện trạng chưa có tên đường.

          Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933, quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp, bóc lột đồng bào, tàn phá quê hương, chị sớm có lòng căm thù giặc. 12 tuổi, chị được anh trai giác ngộ và theo anh trốn lên chiến khu giúp cách mạng. Qua nhiều lần thử thách, chị được kết nạp vào Đội công an xung phong Đất Đỏ lúc 14 tuổi. Chị đã dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao như: giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do ngụy quyền tổ chức, và trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ tết năm 1950, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính ngụy tại chợ Đất Đỏ, chị bị bắt.

          Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, bị giặc tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Ngày 21/1/1952, chị bị đày ra Côn Đảo với số tù 6267 và bị giam riêng ở Sở Cò. Chị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên và trẻ nhất tại Côn Đảo. Sau những chiến công tiêu diệt kẻ địch, cùng với chí khí kiên cường khi bị bắt, chị Sáu đã làm khiếp vía kẻ địch. Cho dù bị tra tấn dã man, chị cũng không hề khai báo, luôn lớn tiếng chất vấn lại luật sư và cha cố khi đụng chạm tới lý tưởng cách mạng. Ngay tại đêm trước khi lĩnh án tử, chị Sáu đã giơ tay thề trước lá cờ Đảng và trở thành người nữ đảng viên trẻ tuổi nhất vào đầu năm 1952. Và đúng sáng hôm sau, ngày 23/1/1952, chúng bí mật đưa chị ra pháp trường xử bắn. Chị Võ Thị Sáu – người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Ngày 02/8/1993, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định 149/KT/CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” cho chị Võ Thị Sáu.

          Đổi tên đường Đốc phủ Yên thành đường Trần Quang Diệu, chiều dài 311m, mặt đường 5m. Phân cấp đường đô thị, điểm đầu từ giáp Quốc lộ 54, điểm cuối đến giáp đường Võ Tánh.

          Trần Quang Diệu (? – 1802) quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông là một trong Tây Sơn thất hổ tướng của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông là chồng nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ngay từ tuổi thanh niên, ông là bạn tâm giao của Nguyễn Nhạc. Chiến công đánh đuổi quân Thanh xâm lược đầu xuân Kỷ Dậu (1789) có rất nhiều đóng góp của vợ chồng ông.

          Sau khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long rồi rút quân về Phú Xuân thì Trần Quang Diệu được tin cậy trao quyền làm Đốc trấn Nghệ An và trông coi việc xây thành Phượng Hoàng Trung đô. Ông đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và xây dựng đất nước sau chiến tranh dưới triều vua Quang Trung.

          Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua và lấy hiệu Gia Long (1802), chiêu hàng Trần Quang Diệu. Ông đáp: “Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mở rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”. Biết không thể khuất phục được Trần Quang Diệu, vua nhà Nguyễn xử ông tội chết. Tháng 7 năm 1802, cả gia quyến ông bị hành hình, ông bị xử lột da, vợ và con gái ông là Trần Bích Xuân bị voi giày. Sự hy sinh của ông và gia đình ông thật là thảm khốc, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi còn được lưu truyền trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam.

Bài: Nhã Đăng
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 4 874
  • Trong tháng: 18 942
  • Tất cả: 293281