XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, CON NGƯỜI VĨNH LONG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC
Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các mặt công tác như: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội,… Trong đó, tập trung chăm lo xây dựng con người Vĩnh Long phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, từng bước đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Vĩnh Long thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt các mặt công tác như: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội,… Trong đó, tập trung chăm lo xây dựng con người Vĩnh Long phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, từng bước đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Vĩnh Long thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Về thể lực đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, tăng cường công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đến năm 2024, toàn tỉnh đạt 36,5% tỉ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Duy trì 31 loại hình hoạt động thể dục, thể thao; 36 môn thể dục, thể thao, trên 1.170 câu lạc bộ, đội, nhóm, điểm tập thể thao.
Về trí lực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tổ chức các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa nhằm giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, lối sống và nhân cách cho thế hệ trẻ. Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tỉnh ủy chỉ đạo đưa việc thực Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Bộ Chính trị trở thành một trong những nội dung để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm. Qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các tổ chức cơ sở đảng đẩy mạnh thực hiện với nhiều cách làm mới, mô hình thiết thực, hiệu quả.
Trong 10 năm qua, tỉnh đã đào tạo chính trị cho 4.786 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo chuyên môn từ đại học trở lên cho 5.128 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, còn cử 31.668 lượt cán bộ, công chức, viên chức bồi dưỡng các nội dung về quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng chuyên ngành,... thực hiện hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với 06 lớp quản trị kinh doanh chuyên sâu; thành lập 39 hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định nhiệm vụ và nghiệm thu 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, đã thu hút được 58 lượt tiến sĩ, 74 lượt thạc sĩ, 50 kỹ sư/cử nhân đại học tham gia; tổ chức tập huấn, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số… cho 129 lớp, với 11.776 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong những năm qua từng bước được nâng lên, tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành được kiện toàn, hoạt động có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn khóm, ấp và khu dân cư như: “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; vợ chồng hòa thuận, anh, em đoàn kết, yêu thương nhau”; “Gia đình hiếu học”, quan tâm giáo dục truyền thống gia đình, dòng họ; mối quan hệ ứng xử tình làng, nghĩa xóm; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của địa phương; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhân rộng điển hình và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng. 100% ấp, khóm trong toàn tỉnh đều có quy ước, hương ước được phê duyệt, từ đó đã phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn minh, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy hiệu quả. Hàng năm, Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân (18/11), UBMTTQ các xã, phường, thị trấn tổ chức biểu dương những gương điển hình tiêu biểu, các mô hình sản xuất hiệu quả, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa tại địa phương, đơn vị thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các mô hình văn hóa ở cơ sở như gia đình văn hóa, tổ văn hóa, khu dân cư văn hóa, các cơ quan đơn vị văn hóa…được khởi động từ những năm 2000 tiếp tục phát triển song song với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tác động tương hỗ của các phong trào này đã làm thay đổi cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở Vĩnh Long; phát huy tốt dân chủ, giữ vững kỷ cương, giữ gìn sự ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030, như: Hàng năm trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực; hàng năm trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội; 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình; không có hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định; 90% hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó thiên tai, khủng hoảng kinh tế; hàng năm, tăng 10% hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình....
Giai đoạn 2014-2024, tỉnh đã lập 24 hồ sơ khoa học lý lịch di tích đề nghị xếp hạng (có 21 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 03 di tích xếp hạng cấp quốc gia). Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Vĩnh Long có 68 di tích được xếp hạng (55 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 13 di tích cấp quốc gia). Có 4 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 43 nghệ nhân (3 đợt). Xây dựng mới 05 công trình văn hóa; trùng tu, tôn tạo 120 lượt di tích, số tiền trên 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa; trong đó, ngân sách Nhà nước gần 80 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa hơn 20 tỷ đồng.
Công tác bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích được chú trọng. Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm kê hiện vật, di vật tại di tích nhằm quản lý số lượng và nắm rõ được giá trị hiện vật. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 di vật, cổ vật ở các di tích đã được lập danh mục hiện vật và hướng dẫn bảo quản. Tỉnh có 01 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật có giá trị khác được bảo vệ theo quy định. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được chú trọng với nhiều hình thức như: tuyên truyền, quảng bá, phối hợp với báo, đài trung ương và địa phương thực hiện các chương trình, hội thi tìm hiểu về di tích, về danh nhân nhằm giáo dục truyền thống yêu nước; triển lãm chuyên đề về di sản; phối hợp các trường học tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, về nguồn cho đoàn thanh niên, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với di sản. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học đã nhận chăm sóc di tích trên địa bàn; hàng tháng giáo viên đưa học sinh đến chăm sóc di tích. Ngành giáo dục có chương trình ngoại khóa, dã ngoại tại di tích. Thông qua các hoạt động như thi thuyết minh, kể chuyện, vẽ tranh... giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về di sản văn hóa trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay, Bảo tàng tỉnh, các di tích xếp hạng và phòng truyền thống ở các huyện, thị xã, thành phố đón trên 5 triệu lượt khách tham quan.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình văn học nghệ thuật phát triển; đặc biệt là đội ngũ văn nghệ sỹ, nhằm phát huy năng lực, tiềm năng sáng tạo để tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 06 phân hội (văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, múa), trên 200 hội viên. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ được giao lưu, sinh hoạt nghề nghiệp, đi thực tế sáng tác và công bố, giới thiệu tác phẩm thông qua các cuộc triển lãm, các buổi ra mắt tác phẩm mới,... đã góp phần làm sinh động thêm đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu đã có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tính chủ thể của văn nghệ sĩ cũng được coi trọng.
Các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh đã được triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác đối ngoại với người Vĩnh Long ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm; hiện có khoảng 12.500 người dân trên địa bàn tỉnh định cư tại các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đài Loan, Campuchia... Mở rộng hợp tác văn hóa với các địa phương của các nước có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Long như Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và các nước khác; đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của một số quốc gia có tiềm năng trong đầu tư thương mại, du lịch như Nhật Bản, một số nước Châu Âu, ASEAN, … Thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Tiếp thu có chọn lọc và phổ biến các giá trị nhân vǎn, khoa học, tiến bộ của nhân loại để làm giàu văn hóa địa phương, đồng thời hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá đối với văn hoá./.