Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
Cùng chuyên mục
SƯU TẬP HIỆN VẬT NGHỀ TRUYỀN THỐNG QUẾT CỐM DẸP CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TẠI BẢO TÀNG VĨNH LONG
Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, có đông đồng bào Khmer sinh sống, người Khmer nơi đây sống tập trung đồng thời xen kẽ cùng với người Kinh trong một số xã, ấp. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống của họ cũng góp phần tạo nên những nét văn hóa chung của người dân Vĩnh Long, vừa có tính đặc thù vừa đồng nhất với đặc trưng văn hóa của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động kinh tế chính của người Khmer ở Vĩnh Long là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh nghề nông, họ cũng làm các ngành nghề khác như chăn nuôi, đánh bắt cá, buôn bán nhỏ... và một số nghề truyền thống, trong đó có nghề quết cốm dẹp. Bảo tàng Vĩnh Long xin giới thiệu đôi nét về nghề quết cốm dẹp và sưu tập hiện vật nghề quết cốm dẹp của đồng bào Khmer tại Bảo tàng Vĩnh Long.

         Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, có đông đồng bào Khmer sinh sống, người Khmer nơi đây sống tập trung đồng thời xen kẽ cùng với người Kinh trong một số xã, ấp. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống của họ cũng góp phần tạo nên những nét văn hóa chung của người dân Vĩnh Long, vừa có tính đặc thù vừa đồng nhất với đặc trưng văn hóa của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động kinh tế chính của người Khmer ở Vĩnh Long là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh nghề nông, họ cũng làm các ngành nghề khác như chăn nuôi, đánh bắt cá, buôn bán nhỏ... và một số nghề truyền thống, trong đó có nghề quết cốm dẹp. Bảo tàng Vĩnh Long xin giới thiệu đôi nét về nghề quết cốm dẹp và sưu tập hiện vật nghề quết cốm dẹp của đồng bào Khmer tại Bảo tàng Vĩnh Long.

         Quết cốm dẹp là một nghề truyền thống thể hiện nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vĩnh Long nói riêng, gắn với truyền thống kinh tế nông nghiệp lúa nước, nếp là sản phẩm nông nghiệp thu hoạch từ vụ mùa, được đồng bào dân tộc Khmer chế biến thành một món ăn hấp dẫn, đồng thời còn là vật phẩm chính trong lễ hội Okombok (Okombok nghĩa là đút cốm dẹp). Tuy cốm dẹp là món ăn dân dã của đồng bào Khmer, nhưng món ăn này còn được người Việt, Hoa ưa dùng thể hiện sự giao lưu văn hóa trong quá trình cộng cư giữa 3 dân tộc: Việt, Hoa, Khmer.

 

anh tin bai

         Nghi thức đút cốm dẹp trong lễ Okombok

 

         Gắn với vùng đồng bào Khmer sinh sống có khá nhiều cây cối, tre trúc, đây là điều kiện thuận lợi để bà con tận dụng nguồn vật liệu có sẵn làm các vật dụng phục vụ cho các công đoạn quết cốm dẹp. Những loại cây có tính năng dai như: mù u, vú sữa, ô môi, mít thì dùng làm cối, chày giã, còn các loại tre trúc thì sàng nia thúng… mỗi vật dụng sẽ có chức năng riêng:

          * Cối là “tabanl” được  là từ gốc hoặc thân cây, lòng khoét sâu 20 đến 25 cm, sử dụng chứa nếp khi quết. Hiện vật của bà Thạch Thị Xưa (ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) tặng Bảo tàng Vĩnh Long ngày 10/4/2001

 

anh tin bai


          * Chày là “ònrê”: gồm 2 chiếc, 1 chiếc lớn và một chiếc nhỏ sử dụng cho 2 người quết. Hiện vật của Bà Sơn Thị Hường (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) tặng Bảo tàng Vĩnh Long ngày 29/01/2010.

 

anh tin bai


          * Cây nảy là “chòng kis”: dùng đảo đều nếp khi quết. Hiện vật của Bà Sơn Thị Hường (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) tặng Bảo tàng Vĩnh Long ngày 29/01/2010.

 

anh tin bai


          * Nồi đất là “chnăng đây”: Với tính dẫn nhiệt và giữ ấm cho hạt nếp nên nồi đất được người Khmer sử dụng phổ biến trong công đoạn rang nếp. Hiện vật của Bà Sơn Thị Hường (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) tặng Bảo tàng Vĩnh Long

 

anh tin bai


         * Bếp lò là “chong kran”: khi rang nếp đòi hỏi lửa đều và liu riu, không cho lửa lan tỏa nên thường là lò trấu

         * Khạp là “kháp”: được làm bằng sành, dùng ngâm nếp.

 

anh tin bai


          * Thúng là “là ây”: sử dụng chứa hoặc vớt nếp.

 

anh tin bai


          * Nia là “chằng ê”: dùng sảy cám trong cốm. Hiện vật của Ông Kim Luộc (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) tặng Bảo tàng Vĩnh Long.

 

anh tin bai


          * Sàng là “là ben” sàn lại phần cám cốm

 

anh tin bai


          * Dừng là “là ben nhất”: lấy tấm cốm.

 

anh tin bai


         Các công đoạn quết cốm dẹp gồm: ngâm nếp, rang nếp, quết nếp, sảy cám cốm.

         Nếp được cho vào lu sành, dùng nước sạch ngâm từ 5 đến 6 giờ đối với nếp non (trước thời gian thu hoạch 5 đến 7 ngày), nếp vừa mới thu hoạch thời gian ngâm 12 giờ, thời gian ngâm đối với nếp khô thời gian ngâm từ 48 đến 50 giờ. Sau khi ngâm, rút sạch, dùng thúng vớt để ráo nước cho vào nồi rang, mỗi lần rang 1 chén nếp và dùng cây rang đảo đều tay liên tục, cho đến khi hạt nếp chín vàng, nổ giòn cho nếp ra cối quết. Công đoạn quết gồm 2 người, 1 người cầm chày lớn, đứng chân trước chân sau; người còn lại một tay cầm chày nhỏ và một tay cầm cây nảy, vừa quết vừa dùng cây nảy đảo đều nếp. Khi quết phải quết liên tục đều tay từ mạnh đến nhẹ, công đoạn này cũng phần nào quyết định chất lượng hạt cốm. Cuối cùng là công đoạn làm sạch cám, tấm trong cốm.

 

anh tin bai


         Nghề truyền thống quết cốm dẹp là một loại hình văn hóa vật thể bởi những dụng cụ (cối, chày, bếp lò, thúng, nia, sàng, dừng…) hoàn toàn được tạo tác bằng thủ công, thể hiện sự sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của người Khmer. Đồng thời nghề quết cốm dẹp cùng là loại hình văn hóa phi vật thể, sản phẩm cốm dẹp không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là món ăn tinh thần gắn liền với  lễ hội truyền thống tôn giáo tín ngưỡng và với đời sống hằng ngày của người Khmer. Thông qua quết cốm dẹp còn thể hiện được tâm tư, tình cảm, tình đoàn kết trong gia đình. Nghề truyền thống quết cốm dẹp đã góp phần tô điểm bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Khmer vì thế cần được bảo tồn và thế hệ sau tiếp nối, giữ gìn cội nguồn dân tộc.

         Nghề truyền thống quết cốm dẹp hiện nay ở tỉnh Vĩnh Long đang đứng trước nguy cơ bị mai một, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương để bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa phi vật thể này.

Bài, Ảnh: Sương Mai
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 68
  • Trong tuần: 4 827
  • Trong tháng: 18 895
  • Tất cả: 293234