Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
Cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
LỄ GIỖ LẦN THỨ 247 HỮU PHỦ QUỐC CÔNG LƯU THỦ LONG HỒ DINH TỐNG PHƯỚC HIỆP
Lễ giỗ Hữu phủ Quốc công Lưu thủ Long Hồ dinh diễn ra từ ngày 19 - 21/7 (nhằm ngày mùng 2 – 4 tháng 6 âm lịch). Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa đình Tân Giai (phường 3, thành phố Vĩnh Long) tổ chức lễ giỗ lần thứ 247 Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp (1776 - 2023).

         Lễ giỗ Hữu phủ Quốc công Lưu thủ Long Hồ dinh diễn ra từ ngày 19 - 21/7 (nhằm ngày mùng 2 – 4 tháng 6 âm lịch). Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa đình Tân Giai (phường 3, thành phố Vĩnh Long) tổ chức lễ giỗ lần thứ 247 Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp (1776 - 2023).

         Theo thông lệ trong ngày lễ tiên thường (19/07/2023) Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa đình Tân Giai đến nhà thờ Hùng Vương tại Bảo tàng Vĩnh Long thỉnh sắc phong về đình tổ chức lễ giỗ. Tại nhà thờ Hùng Vương, trong không khí trang nghiêm, bà Nguyễn Thanh Nha - Giám đốc bảo tàng Vĩnh Long cùng với Ban Quản lý đình thực hiện nghi lễ dâng hương; khán sắc thần; tế nhạc: nghinh thiên; tế phẩm: dâng rượu, dâng trà. Đoàn rước sắc thần đi qua chợ Vĩnh Long đến trường THPT Lưu Văn Liệt; ngôi trường từng mang tên Trung học Tống Phước Hiệp (trường Trung học lớn nhất Vĩnh Long) vào những năm 1961 - 1975, tại đây bà Phan Hoàng Tú Nga - Hiệu trưởng trường nhà trường cùng với thầy cô giáo và các bạn học sinh đã thỉnh sắc Tống Quốc công vào bàn hương án được đặt trước sảnh thực hiện lễ dâng hương. Sau đó, đoàn di chuyển đến Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố Vĩnh Long rồi rước về đình Tân Giai chuẩn bị cho lễ cúng tiên thường vào buổi chiều cùng ngày.

         Buổi tối ngày lễ tiên thường, diễn ra nghi lễ Xây chầu - Đại bội, phần lễ Xây Chầu do ông cổ quan Nguyễn Cao Đức - Phó trưởng Ban quý tế lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu); nơi nổi tiếng trong việc gìn giữ các nghi lễ cổ truyền đảm trách với sự hổ trợ ông Đặng Danh - đình Phú Nhuận, ông Nguyễn Thái Hòa - đình Sơn Trà. Bài Xây chầu trên do ông Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rỡ (1937 - 1996), Hội trưởng Hội khuyến lệ cổ ca (1959), Trưởng Ban quý tế lăng Đức Tả quân đã sưu tầm, chắt lọc hơn 20 bài Xây chầu từ các nơi tạo nên, có sự giao thoa giữa Phật giáo và Đạo giáo. Lễ Xây chầu nghi lễ có sự kết hợp giữa các câu nguyện và đánh trống nhằm khuấy động không gian lễ hội vào đêm khuya. Về tín ngưỡng, dùng âm thanh của tiếng trống làm “thông thiên triệt địa” xua đuổi tà ma, đem lại may mắn cho người dân. Về thực tiễn, tiếng trống chầu có chức năng báo hiệu cho dân làng biết đêm hát sắp bắt đầu. Sau lễ Xây chầu là phần lễ Đại bội với các xang: Bàn cổ sơ khai (Khai thiên lập địa), Lưỡng nghi (Nhật nguyệt), Tam tài (Phước, Lộc, Thọ), Tứ tượng (Tứ Thiên vương), Ngũ hành Đại bội (Đứng Cái), Địa gia quan (Gia quan tấn tước) và trình diễn 2 vở tuồng “Tiết Đinh Sang cầu Phàn Lê Huê”, “Xử Bá đao Từ Hải Thọ” do đoàn nghệ thuật tuồng cổ Thái Bình phụ trách thu hút đông đảo người dân đến xem tạo nên sinh khí và sự sung túc cho lễ giỗ.

         Ngày lễ chánh giỗ (20/7/2023) đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh Vĩnh Long; cựu học sinh trường Trung học Tống Phước Hiệp; sinh viên, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long; thầy cô giáo và học sinh trường THPT Lưu Văn Liệt,... các đình, lăng, miếu trong và ngoài tỉnh, hậu duệ và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng nhớ công đức vị quan thanh liêm, thương dân, giỏi về trị an, quân sự, có công khai hoang lập ấp, mở rộng giao thương, phát triển kinh tế ở vùng đất phương Nam.

         Sáng ngày lễ hậu thường (21/7/2022), Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Tân Giai thực hiện Lễ cúng hậu thường; Lễ cúng bánh dân gian Nam Bộ; Lễ tạ thần rồi thực hiện Lễ hồi sắc về Bảo tàng Vĩnh Long chính thức kết thức lễ giỗ.

         Lễ tiên thường, chánh giỗ, hậu thường, cúng gia binh tướng sĩ gồm các nghi lễ: Lễ quán tẩy (rửa mặt); Lễ củ soát tế vật (kiểm tra vật tế); Lễ tế nhạc: nghinh thiên; Lễ thượng hương (dâng hương); Lễ sơ hiến tửu (dâng rượu lần thứ nhất) ; Lễ đọc chúc văn (đọc văn tế); Lễ á hiến tửu (dâng rượu lần thứ hai); Lễ chung hiến tửu (dâng rượu lần thứ ba); Lễ hiến trà (dâng trà); Lễ hiến quả bỉnh (dâng trái cây và bánh); Lễ hóa chúc văn (đốt văn tế).

         Theo sử liệu triều Nguyễn ghi chép, Tống Phước Hiệp tên gọi khác là Kỉnh (Kính) theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi. Quê quán ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thủy tổ là Tống Phước Trị từng làm Trấn thủ Thuận Hóa dưới triều nhà Lê, tước Luân Quận công. Nội tổ là Tống Phước Đạo từng làm Nội tả Chưởng dinh, tước Quảng Tài hầu. Cha ông là Tống Phước An (chưa rõ thân thế). Tụng đệ (em chú bác) là Tống Phước Hòa từng làm Chưởng thủy dinh, Cai cơ đạo Đông Khẩu, tước Quận công. Ông phụng sự dưới thời chúa Nguyễn Phước Thuần, giữ chức Lưu thủ Long Hồ dinh, từng đưa binh giúp Mạc Thiên Tứ đánh dẹp quân Xiêm chiếm đất Hà Tiên năm 1771. Năm 1774, khi Tây Sơn nổi dậy lấn cướp đất Bình Thuận, Lưu thủ Tống Phước Hiệp cùng Cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên thống lĩnh tướng sĩ 05 dinh gồm Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ phá được quân Tây Sơn. Cùng năm này, quân Trịnh xâm phạm Phú Yên, chúa Nguyễn Phước Thuần chạy vào Quảng Nam rồi vào Gia Định năm 1775. Tống Phước Hiệp được chúa phong làm Tiết chế Kinh quận công, tiến đánh lấy lại Phú Yên. Tháng 6 năm 1776, ông yết kiến chúa ở hành tại sau đó qua đời.

         Quốc sử quán triều Nguyễn ca ngợi về ông như sau:Buổi đầu Phước Hiệp trấn thủ Long Hồ, chính sự khoan dung, dân yêu mến như cha mẹ. Tính người khảng khái, có tài lược, thường coi việc dẹp giặc là phận sự của mình, người đều rất trông cậy. Đến lúc chết, người biết tin đều chạy gào thương khóc, ba ngày liền ngoài ruộng bỏ cày bừa, ngoài chợ không mua bán. Chúa thương tiếc không thôi, tặng Hữu phủ Quốc công, lập đền thờ ở Long Hồ, xuân thu cúng tế, nhiều lần hiển hiện linh ứng, hương lửa không dứt. Năm Gia Long năm thứ 9 (1810) đưa vào thờ ở miếu Trung tiết công thần, đầu đời Minh Mạng phong Trung đẳng thần, thờ ở miếu Hội đồng (Gia Định)”.

         Hiên nay, tỉnh Vĩnh Long hiện còn lưu giữ tổng thể 05 đạo sắc phong cho Ông được triều đình nhà Nguyễn cấp. Trong đó, 03 đạo sắc phong cho phép thôn Trường Xuân, huyện Vĩnh Bình phụng thờ vào tháng 7 và tháng 7 nhuận niên hiệu vua Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) và tháng 11 niên hiệu vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), đang được lưu giữ tại bảo tàng Vĩnh Long; 02 đạo sắc tái cấp phong cho phép miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long phụng thờ vào ngày mùng 10 tháng chạp niên hiệu vua Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), đang được lưu giữ tại Công Thần Miếu.

         Sau đây, xin giới thiệu đạo sắc phong cuối cùng được triều Nguyễn ban cho Hữu phủ Quốc công Lưu thủ Long Hồ dinh Tống Phước Hiệp:

         Sắc cho Hữu phủ Tống phủ quân Trung đẳng thần, vốn được phong tặng là Phù chánh Diên trạch Địch nghị Chiêu tích Trung đẳng thần, đã giúp nước an dân, từ lâu linh ứng, từng ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Nay Trẫm nối ngôi tôn mệnh sáng, nhớ đến ơn thần, nên tặng thêm là Phù chánh Diên trạch Địch nghị Chiêu tích Quang ý Trung đẳng thần, vẫn cho phép thôn Trường Xuân ở huyện Vĩnh Bình phụng thờ như cũ. Thần hãy che chỡ bảo vệ con dân của Trẫm.

Hãy kính tuân theo!

Ngày mồng 8, tháng 11, niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 (1850).

Ấn: Sắc mạng chi bảo.

         Việc tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ Tống Phước Hiệp vị quan khai quốc công thần, có công mở mang bờ cõi, vị quan Lưu thủ dầu tiên dinh Long Hồ, đặt nền móng cho cả vùng Tây Nam Bộ rộng lớn, được nhân dân tin yêu. Bên cạnh đó, gửi gắm ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, nước mạnh dân yên,.... lễ giỗ năm nay có sự tham gia của hơn 50 đoàn viên học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt và hơn 50 đoàn viên sinh viên trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cùng quý thầy cô giáo, giảng viên của hai trường; các bạn học sinh, sinh viên hào hứng khoác lên mình những bộ trang phục vào vai các vị quan, quân lính, học trò lễ,... tham gia các nghi thức cúng bái truyền thống. Đây là hoạt động thực tế mang tính nhân văn và thực hành văn hóa lễ nghi. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ Vĩnh Long lòng tự hào dân tộc, lịch sử địa phương, hướng về tiền nhân, tình yêu quê hương tổ quốc và sự trải nghiệm đầy thú vị trong dịp hè về. Đồng thời, người dân Vĩnh Long luôn nguyện vọng sớm xây dựng lại miễu Tống Quốc Công nhằm ghi nhớ công ơn vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân cho nước.

 

anh tin bai

Đoàn thỉnh sắc Tống Quốc Công về đình Tân Giai tổ chức lễ giỗ lần thứ 247 tại Bảo tàng Vĩnh Long

 

anh tin bai

Lễ Xây chầu do ông cổ quân Nguyễn Cao Đức đảm trách nhân lễ giỗ Tống Quốc Công lần thứ 247

Bài: Tào Phú Vinh - Ảnh: Võ Thành Danh (Thành phố Hồ Chí Minh)
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 4 749
  • Trong tháng: 20 594
  • Tất cả: 309001