Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
ĐÌNH VĨNH XUÂN
Đình Vĩnh Xuân tọa lạc tại ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nằm cạnh Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, cách trung tâm thị trấn Trà Ôn 12km về hướng Đông, cách trung tâm chợ Vĩnh Xuân 500m về hướng Bắc. Đình Vĩnh Xuân được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, thuộc loại đình lớn, với những hàng cột vững chải, mái ngói âm dương cổ kính trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Ngươn Hanh phụng hiến.

         Đình Vĩnh Xuân tọa lạc tại ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nằm cạnh Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, cách trung tâm thị trấn Trà Ôn 12km về hướng Đông, cách trung tâm chợ Vĩnh Xuân 500m về hướng Bắc.

        Đình Vĩnh Xuân được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, thuộc loại đình lớn, với những hàng cột vững chải, mái ngói âm dương cổ kính trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Ngươn Hanh phụng hiến.

 

anh tin bai


        Trải qua thời gian dài, ngôi đình bị hư hỏng nặng. Năm 1952, giặc Pháp phóng hỏa ngôi đình. Sau đó vào năm 1956 ngôi đình được dựng lại bằng vật liệu đơn sơ, nền lát gạch, cột kèo bằng xi măng và cây, mái lợp lá. Qua thời gian dài ngôi đình nhiều lần xuống cấp và được tu sửa nhỏ. 

          Đến năm 2009, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự đóng góp của Ban Hội hương và nhân dân, ngôi đình được xây dựng bằng vật liệu kiên cố theo kiến trúc hiện hữu với đầy đủ các hạng mục vỏ ca, vỏ quy, chánh điện, nhà khói, miếu Ngũ hành, miếu Thổ Thần,...là nơi để người dân địa phương đến cúng bái thần linh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Đồng thời trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Vĩnh Xuân có vai trò quan trọng đối với hoạt động cách mạng ở địa phương và góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.

         *Thời kỳ chống Pháp:

         Bước vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước không ngừng xuất hiện, nối tiếp nhau, phát huy sức ảnh hưởng khắp các địa bàn trong tỉnh nói chung, huyện Trà Ôn nói riêng, trong đó có xã Vĩnh Xuân.

        Từ năm 1924, cùng với phong trào đấu tranh rộng lớn của nhân dân Nam Kỳ, ở Vĩnh Long nhiều tổ chức yêu nước chống Pháp cũng được thành lập, trong đó có phong trào Thiên Địa Hội. Tại vùng Vĩnh Xuân, được người đứng đầu phong trào Thiên Địa Hội giới thiệu ông Nguyễn Ngươn Hanh ra làm việc ở làng, cho đến giữa năm 1928 ông được gặp người cộng sản đầu tiên là ông Nguyễn Văn Thiệt ngay tại nhà mình và được hướng dẫn hoạt động cách mạng.

         Đầu năm 1928, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Vĩnh Long được thành lập tại ngã tư Long Hồ, do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư. Đầu năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt đã tổ chức được chi hội đầu tiên ở ấp Tường Ngãi (xóm Ba Chùa) do anh Trần Văn Vững làm Chi hội trưởng.

         Sau khi thành lập chi bộ Ba Chùa, giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt đến xã Vĩnh Xuân, để hướng dẫn ông Nguyễn Ngươn Hanh (xã Trinh) tham gia hoạt động cách mạng theo An Nam cộng sản Đảng. Đến cuối năm 1929, chi bộ Đảng đầu tiên của Trà Ôn được thành lập tại La Gì (Vĩnh Xuân) do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư.

         Tháng 3/1930, đồng chí Châu Văn Liêm, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời được cử về chỉ đạo Vĩnh Long. Đồng chí đã xúc tiến các hoạt động và tổ chức hội nghị tại Ngã Tư Long Hồ, chuyển các chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Vĩnh Long thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó có Chi bộ ở La Gì (Vĩnh Xuân).

         Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt (Ba Thiệt) chuyển đi địa bàn khác, đồng chí Nguyễn Văn Nhung (Tư Nhung), từ chi bộ Cờ Đỏ được phái về Trà Ôn hoạt động trên địa bàn ấp Vĩnh Thành, Vĩnh Khánh, đã bắt liên lạc với ông Đào Hưng Long, qua ông Long liên hệ với ông Nguyễn Ngươn Hanh. Hai ông thành lập tổ chức Nông hội đỏ và các tổ chức quần chúng khác. Sau một thời gian giáo dục, thử thách, đồng chí Nhung đã lựa chọn những người tích cực, hăng hái nhất trong tổ chức quần chúng kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ khác ở Vĩnh Xuân vào tháng 4/1930.

         Sự ra đời sớm của chi bộ Ba Chùa và hai chi bộ ở Vĩnh Xuân là một bước ngoặt lịch sử trên địa bàn Cầu Kè, Trà Ôn, Tam Bình… Lần đầu tiên, cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương chống thực dân, phong kiến đã có vai trò lãnh đạo của những người cộng sản.

         Chi bộ Đảng ở Vĩnh Xuân ra đời trên nền tảng tinh thần nhân dân kiên cường, bất khuất nên nhanh chóng tập hợp được quần chúng kết thành đội ngũ bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân và phong kiến. Ông Nguyễn Ngươn Hanh là một đảng viên được nhân dân và chi bộ Đảng ở La Ghì tin tưởng, ông thường tập hợp các vị tiền bối trong làng đến sinh hoạt và họp kín tại đình Vĩnh Xuân.

         Đình Vĩnh Xuân nằm trong khu vực bao quanh là chợ và trường học. Cả vùng chỉ có Vĩnh Xuân có một trường tiểu học La Ghì do Pháp lập nên (Ecole primaire complementaire de La Ghi) năm 1932. Ban đêm, các thầy dạy ở trường thường mượn đình Vĩnh Xuân làm điểm dạy học cho các em nghèo không có điều kiện đến trường học.

         Ngày 27/12/1948, Bộ Tư lệnh quân khu 8 (miền Trung Nam bộ) quyết định thành lập Tiểu đoàn 308. Ban chỉ huy Tiểu đoàn chọn đình Vĩnh Xuân làm nơi đóng quân để chỉ đạo huấn luyện các trận đánh. Lễ xuất quân diễn ra vào ngày 20/3/1949, ở Giồng La Ghì. Từ khi thành lập, Tiểu đoàn luôn gắn bó với địa phương trong đó có quê hương La Ghì, Vĩnh Xuân.

         Đình Vĩnh Xuân là một trong những địa điểm đã được các đồng chí đảng viên chọn làm địa điểm sinh hoạt và họp kín với các bậc tiền bối trong làng để thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng tại Vĩnh Xuân, nơi trường Tiểu học La Ghì mượn điểm dạy học. Đồng thời, nơi đây được chọn làm nơi hoạt động của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 308, thực hiện công tác huấn luyện và chỉ huy các trận đánh. Sau đó trở thành cơ quan Trường huấn luyện Quân khu 9 góp phần vào công cuộc đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

anh tin bai


         *Thời kỳ chống Mỹ:

         Năm 1954, địch đóng một số đồn bót tại Vĩnh Xuân. Chúng tìm mọi cách để răn đe quần chúng cách mạng. Trong thời gian này, anh Lê Văn Bảy (Bảy Bụng) đã bị chúng theo dõi, khi chính anh là người đã điều khiển chào cờ trong buổi lễ mừng chiến thắng của việc buộc địch phải ký Hiệp định Giơnevơ.

         Vào ngày 25/10/1954, tên Quận trưởng Kiệt cho một tiểu đội lính theo dõi và kiểm tra giấy tờ của anh Bảy Bụng. Anh dẫn hai tên lính về nhà lấy giấy, khi tới ngã ba Nhà Thờ từ lộ vô chợ thì anh bị tên lính này từ phía sau bắn chết anh rồi chúng bỏ về đồn.

         Trước hành động dã man của địch, nhân dân xã Vĩnh Xuân vô cùng căm phẫn. Lúc bấy giờ, đồng chí Trần Trung Hậu (Mười Thâu) – Bí thư huyện ủy đã chỉ đạo chi bộ Vĩnh Xuân tổ chức người khiêng thi thể anh Bảy Bụng vào đồn địch trong xã và chủ trương phát động một cuộc biểu tình với quy mô lớn.

         Sau đó, người dân đã đưa thi thể anh Bảy Bụng về đình Vĩnh Xuân và dùng mõ của đình để kêu gọi nhân dân cùng đứng lên đấu tranh nhằm tố cáo tội ác của địch, bắt chúng phải ký vào bản thú nhận tội ác mà chúng vừa gây ra và phải cam kết nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ. Hàng ngàn người hưởng ứng tiếng mõ đấu tranh, nhân dân từ các xã lân cận như: Xuân Hiệp, Hòa Bình, Trà Côn, Hựu Thành, Thuận Thới kéo sang chi viện, mỗi ngày hàng hai ba trăm người, lớp này về, lớp người khác đến tiếp không dứt,… và một số xã từ hai huyện Cầu Kè và Tam Bình cũng đổ về bao vây đồn địch ở chợ Vĩnh Xuân suốt ba ngày liền. Chúng không giải quyết cụ thể việc bồi thường nhân mạng anh Bảy Bụng và trừng trị hai tên giết anh, ngược lại còn hống  hách mặc cho tiếng mõ đấu tranh vang lên liên hồi. Các bà, các chị ở Vĩnh Xuân đã sử dụng đất của đình Vĩnh Xuân để lo việc nấu cơm, gói bánh, nấu khoai tiếp tế cho các đoàn đấu tranh.

         Tuy nhiên cuộc đấu tranh không có kết quả. Đến ngày 28/10/1954, một đại đội bảo an đàn áp cuộc đấu tranh. Chúng đã bắn chết 18 người và làm bị thương hàng chục người biểu tình hòng dập tắt cuộc đấu tranh của nhân dân, số đông là bà con từ các xã Trà Côn, Hòa Bình, Xuân Hiệp sang. Máu đã đổ xuống trên đất Vĩnh Xuân, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

         Cuộc đấu tranh ở Vĩnh Xuân đã gây tiếng vang lớn ở vùng thuộc hai bờ sông Măng Thít và bắc sông Hậu, nói lên ý chí đấu tranh vì chính nghĩa và sức mạnh to lớn của nhân dân, đồng thời cũng chỉ rõ sự cô lập và suy yếu của địch về mặt chính trị.

         Sau giai đoạn này, từ 1955 đến 1975 trên địa bàn Vĩnh Xuân do địch khủng bố  ác liệt, hầu hết cơ sở của ta đều bị địch phát hiện. Tuy nhiên với ý chí một lòng theo Đảng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc với nhiều hình thức đấu tranh chống kẻ thù quân và dân Vĩnh Xuân đã chiến đấu ngoan cường giành thắng lợi trong phong trào Đồng khởi, xuân Mậu Thân 1968 cùng nhiều chiến công hiển hách khác để đi đến thắng lợi hoàn toàn với những công lao và sự hy sinh to lớn đó nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Xuân được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

         Với niềm khát khao tự do mãnh liệt ấy nhân dân đã đoàn kết cùng nhau đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai hiếu chiến ra khỏi quê hương thân yêu, góp phần vào thắng lợi chung của huyện nhà và cùng cả nước thống nhất Tổ quốc đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có sự đóng góp của đình Vĩnh Xuân trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.

         Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

         Hàng năm đình Vĩnh Xuân có các lệ cúng như:

         - Lễ Hạ điền: vào ngày 15 - 16 tháng 3 âm lịch.

         - Lễ Thượng điền: vào ngày 15 - 16 tháng 12 âm lịch.

         Vào những dịp này, Ban hội hương đình mời đoàn hát bội đến phục vụ bà con, thu hút rất đông người dân đến tham gia và thưởng thức văn nghệ. Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường lệ của đình, được duy trì từ nhiều năm.

         Đình Vĩnh Xuân được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 3388/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2021.
Bài, Ảnh: Phạm Hùng Cường
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 117
  • Trong tuần: 11 417
  • Trong tháng: 22 020
  • Tất cả: 186256