Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
VỀ THĂM KHÁM LỚN VĨNH LONG, NGHE KỶ VẬT CHIẾN TRANH KỂ CHUYỆN
Những năm qua, Bảo tàng Vĩnh Long luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày nhằm phát huy giá trị các kỷ vật kháng chiến, với mong muốn góp phần giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nêu gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ta, dù trong cảnh tù đày nhưng vẫn nung nấu tinh thần kiên trung bất khuất, ý chí quật cường, khát vọng giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

         Những năm qua, Bảo tàng Vĩnh Long luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày nhằm phát huy giá trị các kỷ vật kháng chiến, với mong muốn góp phần giáo dục về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nêu gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ta, dù trong cảnh tù đày nhưng vẫn nung nấu tinh thần kiên trung bất khuất, ý chí quật cường, khát vọng giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

         Đằng sau những hiện vật giới thiệu đến khách tham quan là nhiều câu chuyện đấu tranh thấm đẫm máu và nước mắt tại Khám lớn Vĩnh Long. Trong cảnh tù đày tra tấn, nhưng ý chí tinh thần của người chiến sĩ không cho phép giây phút nào họ ngừng nghỉ đấu tranh. Họ chấp nhận những đòn tra khảo dã man, thà chịu cực hình đau đớn chứ nhất quyết không để lộ cơ sở cách mạng. Nhiều câu chuyện về tình đồng đội luôn gắn bó, sẻ chia và tình đoàn kết của các anh chị em tù nhân đã gây xúc động mạnh với khách tham quan. Năm tháng đã lùi xa, nhưng hình ảnh về một thời khói lửa vẫn nguyên vẹn trong ký ức của những người tù kháng chiến qua từng câu chuyện kể, từng kỷ vật cất giữ cẩn thận.

         Năm 1971, bà Huỳnh Thị Hoa (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là giao liên cho Quân khu 9, bị địch bắt và đưa vào giam cầm tại Khám lớn Vĩnh Long trong lúc bụng mang dạ chửa. Bà đã tự tay may và thêu một chiếc áo gối, nhưng vì hoàn cảnh phải sinh con trong lao tù khắc nghiệt, thiếu thốn nên chiếc áo gối đã được bà dùng để đắp giữ ấm cho đứa con mới sinh còn đỏ hỏn. Để có được những vật dụng như vải, kim và chỉ thêu, bà đã phải dành dụm, chắt chiu và qua mắt bọn cai ngục. Bà Hoa đã gìn giữ chiếc áo gối này để nhắc nhớ về những năm tháng sống và chiến đấu đầy gian khổ hiểm nguy nơi ngục tù.

 

anh tin bai

Áo gối - Hiện vật do bà Huỳnh Thị Hoa may và thêu trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Khám lớn Vĩnh Long

 

         Tại Khám lớn Vĩnh Long, nhiều đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay che chở của các nữ tù chính trị để rồi Khám lớn Vĩnh Long đã trở thành một phần gắn liền với cuộc đời họ. Hiện vật Giấy khai sinh do chị Thiều Thị Minh Ngọc (số nhà 54/4, Hưng Đạo Vương, Phường 1, thành phố Vĩnh Long) trao tặng Bảo tàng Vĩnh Long là một trong những hiện vật điển hình. Năm 1970, mẹ chị Ngọc là bà Ngô Thị Ngọc Diệp (bí danh Mười Tư) trong lúc đang chuyển tài liệu mật từ Sa Đéc về thị xã Vĩnh Long thì địch bắt và giam cầm khi đang mang thai. Bà sinh và nuôi chị trong tù cho đến ngày được trả tự do. Trên giấy khai sinh của chị tại mục nơi sinh có ghi là Khám lớn Vĩnh Long. Từng nét chữ in đã nhoè trên nền giấy ố vàng theo năm tháng, nhưng lại là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chị Ngọc - Một người cất tiếng khóc chào đời sau cánh cửa nhà lao, bên cạnh chỉ có mẹ và những người bạn tù kiên trung, quyết đấu tranh đến hơi thở sau cùng.

 

anh tin bai

Giấy khai sinh của chị Thiều Thị Minh Ngọc, số nhà 54/4, đường Hưng Đạo Vương, Phường 1, thành phố Vĩnh Long.

 

anh tin bai

Đôi vớ - Hiện vật do bà Ngô Thị Ba (bí danh Tuyết Sương) đan năm 1960 trong lúc bị giam tại phòng giam số 5 tặng cho bà Nguyễn Thị Cấm

(Hiện nay là phó chủ tịch Hội người tù kháng chiến thành phố Vĩnh Long). Hiện vật nói lên tinh thần đoàn kết, tình cảm của người nữ tù chính trị dành cho nhau.

 

anh tin bai

Hiện vật là chiếc khăn do bà Trần Thị Kim Sa, y sĩ trực thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn 3 thêu trong lúc bị giam tại Khám Lớn Vĩnh Long từ 9/1974 - 1/5/1975.

 

anh tin bai

Lon Guigoz - Được bà Nguyễn Thị Nương – công tác mật giao xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm

sử dụng đựng thức ăn, cất giấu thức ăn chăm sóc cho đồng đội khi ốm đau trong lúc bị giam tại Khám lớn Vĩnh Long từ tháng 3 – 7/1973.

 

         Trong số các kỷ vật trưng bày tại đây, có một hiện vật để lại nhiều cảm xúc cho khách tham quan chính là Chiếc khăn tang của người nữ tù Dương Bạch Xây - Thị uỷ viên thị xã Vĩnh Long. Khi đang chịu cảnh tù đày, đấu tranh khốc liệt với kẻ địch hàng ngày, hàng giờ thì xuân năm 1970, bà hay tin dữ mẹ mình qua đời tại quê nhà. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ. Người xưa có câu Nghĩa tử là nghĩa tận, thế nhưng trước giờ phút mẹ mình tạ thế bà vẫn không thể về cạnh bên làm tròn chữ hiếu, đó là nỗi đau không gì sánh được. Vô cùng thương xót, bà bí mật gởi người mua vải và chỉ thêu chiếc khăn này để chịu tang mẹ ngay trong khám lớn. Chiếc khăn tang đã theo bà đi qua nhiều nhà lao trong suốt những năm tháng tham gia cách mạng. Đã cùng bà trải qua bao cuộc tranh đấu trong ngục tù, bảo vệ bà khỏi chất độc hoá học, lựu đạn cay khi tham gia đấu tranh quyết liệt, đối đầu trực tiếp với kẻ thù tại các nhà lao Tân Hiệp, Thủ Đức, nhà tù Côn Đảo từ năm 1971 đến năm 1975.

 

anh tin bai

Chiếc khăn tang của đ/c Dương Bạch Xây - trên khăn thêu 2 dòng chữ: “Con hiền để chế mẫu thân”, “Thiên thu vĩnh biệt nhớ thương mẹ hiền”.

 

         Đồng chí Dương Bạch Xây đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc như lời hứa tận hiếu với mẹ hiền và như lời bà đã tâm sự khi trao lại kỷ vật: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ đầy gian khổ hy sinh, tôi vẫn một lòng theo Đảng, đánh đổ kẻ thù thực dân phong kiến. Góp phần nhỏ bé của mình để giải phóng đất nước. Chiến tranh ác liệt, tôi nguyện hy sinh không bao giờ nghĩ đến tù đày.”

         Tại một góc trang trọng nơi phòng trưng bày, chiếc khăn tang ngày nào theo bà đi qua bao biến động thời cuộc vẫn ở đó. Người cựu tù đã gìn giữ và trân quí nó như một bảo vật, nay trao tặng Bảo tàng Vĩnh Long với mong muốn kỷ vật sẽ thay bà kể lại câu chuyện đời người chiến sĩ cách mạng. Chiếc khăn tang hay nhiều hiện vật khác tại đây là những kỷ vật của các chiến sỹ cách mạng trong thời gian bị địch bắt tù đày tại Khám lớn Vĩnh Long. Đằng sau song sắt nhà tù, những tác phẩm nghệ thuật, những hiện vật thêu,… ra đời. Mỗi kỷ vật hàm chứa những câu chuyện cảm động. Tất cả tình cảm được gửi gắm qua từng đường kim, mũi chỉ, những dòng tâm sự thể hiện trên những chiếc khăn tay, áo gối,… Các hiện vật đã cho thấy rõ tinh thần của người nữ chiến sĩ cách mạng Việt Nam dù trong ngục tù chưa biết ngày về, sống chết ra sao nhưng vẫn luôn tin vào sự nghiệp cách mạng, tràn đầy niềm tin yêu, khát vọng về cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc và chính những kỷ vật này là nguồn sử liệu quý giá giúp khách tham quan hiểu, tri ân và tự hào mà các thế hệ ông cha đi trước đã đổ xương máu để chúng ta có được hoà bình độc lập hôm nay./.

Bài, ảnh: Thuỳ Dương - Phi Khanh
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 77
  • Trong tuần: 10 107
  • Trong tháng: 21 910
  • Tất cả: 186519