Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
ĐÔI NÉT VỀ SÔNG LONG HỒ
Vĩnh Long là một trong những tỉnh có nhiều sông rạch. Sông Hậu và sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) được ví như đường biên giới lớn của mạng lưới sông rạch, kênh đào chằng chịt trên địa phận Vĩnh Long. Đoạn sông Cổ Chiên và sông Hậu chảy qua vùng đất Vĩnh Long nước ngọt quanh năm, lưu thông với mạng lưới sông rạch, kênh đào ăn sâu vào đất liền, đã cung cấp phù sa cho đất đai thêm màu mỡ, rất thích hợp cho việc canh tác lúa, trồng cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn này.

         Vĩnh Long là một trong những tỉnh có nhiều sông rạch. Sông Hậu và sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) được ví như đường biên giới lớn của mạng lưới sông rạch, kênh đào chằng chịt trên địa phận Vĩnh Long. Đoạn sông Cổ Chiên và sông Hậu chảy qua vùng đất Vĩnh Long nước ngọt quanh năm, lưu thông với mạng lưới sông rạch, kênh đào ăn sâu vào đất liền, đã cung cấp phù sa cho đất đai thêm màu mỡ, rất thích hợp cho việc canh tác lúa, trồng cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn này.

 

anh tin bai

 

         Sông Long Hồ bắt nguồn từ phía bờ bên hữu sông Cổ Chiên. Ở vàm sông (theo cách gọi hiện nay), bên trái là Bến Đá đầu xóm Cầu Dài thuộc phường 5 và bên phải là Công ty du lịch thuộc phường 1, thành phố Vĩnh Long, chảy qua sâu vào đất liền qua các phường 4, phường 5 (thành phố Vĩnh Long), xã Thanh Đức (huyện Long Hồ), xã Long Mỹ (huyện Mang Thít), xã Long Phước và thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ), đến chợ Ngã Tư (thị trấn Long Hồ) thì chia hai nhánh: một nhánh chảy vào Hòa Tịnh và Bình Phước (huyện Mang Thít), nhánh kia rẽ phải theo sông Cái Cau chảy đến ngã ba Xã Sỉ. Sông có chiều dài khoảng 10 km, rộng 70-90m, sâu hơn 3m. Tuy nhiên ngày nay do sự biến động của dòng chảy nên sông Long Hồ có sự thay đổi về chiều rộng từ 85-100m và sâu từ 10-12m.

         Sông Long Hồ là một trong năm con sông lớn được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí: “Sông Long hồ, chảy lại thì quanh co, chảy đi uốn éo, ngang thì lược lạc, hợp thì ngưng đọng, bốn mùa ngon ngọt, bờ bãi chia xa gần có nơi cao nơi thấp, thôn xóm bày ở đông và tây, khi ẩn khi hiện, như rừng như động, như vực như đầm, cho nên có tên là Long Hồ, lượn quanh trấn thành, phía bắc hợp với sông Tiền Giang như hào thiên nhiên hùng vĩ, rộng 49 tầm, sâu 11 tầm, về phía đông nam thì lòng nhỏ dần mà chuyển sang phía đông; 30,5 dặm, xuống đến sông Ba Kè và ngã ba thủ Kiên Thắng. Ngã hữu đi về phía nam 26,5 dặm đến sông Trà Ôn, hợp dòng với sông Hậu Giang. Ngã tả đi về hướng đông 85,5 dặm đến thủ Tân Thắng Mân Thít, lại cùng hạ lưu Tiền Giang mà hợp chảy ra biển”.[1]

         Sông là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho ruộng vườn, là đường giao thông thủy quan trọng trong khu vực Long Hồ dinh xưa.

        Sông Long Hồ giữ một vị trí quan trọng về thủy lợi và giao thông đường thủy. Với mục tiêu dẫn nước ngọt vào đồng ruộng, vườn tược, nên rất tiện lợi cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp; đồng thời cũng thuận tiện lưu thông bằng đường thủy trong địa phương. Chính vì vậy mà ngay từ thời mở cõi dân cư các nơi đã đổ dồn về Vĩnh Long lập nghiệp khá nhiều.

         Thật vậy cách đây gần 300 năm, sau khi thành lập dinh Long Hồ (năm 1732), có một khu chợ đã hình thành ở vàm sông Long Hồ (vị trí khu vực Bến Đá, phường 5, thành phố Vĩnh Long ngày nay). Và đã sớm trở thành trung tâm đầu mối của miền Tây với các vùng Sài Gòn - Gia Định. Đây là nơi buôn bán sầm uất trải dài đến 5 - 6 dặm dọc theo bờ sông. Từ khi có chợ Long Hồ, hàng hóa từ các nơi khác như huyện Trà Vang (nay là tỉnh Trà Vinh), Tuân Nghĩa (nay là vùng Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình) được vận chuyển lên chợ Long Hồ để đưa tiêu thụ ở vùng Gia Định.

         Nhờ đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, việc buôn bán thông thương phát đạt, đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả miền Tây. Từ đây, sản vật của đất phương Nam, nhất là lúa gạo và cây trái miệt vườn, vào thời cực thịnh đã được xuất ra ngoại quốc.

         Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long, Pháp cho xây dựng chợ Lớn qua phường 1 (thành phố Vĩnh Long) như ngày nay. Chợ Long Hồ xưa không còn nữa, phần lớn đất đai, phố xá đã bị trôi xuống dòng Cổ Chiên do nước xói lở…

         Ngày nay sông Long Hồ vẫn là tuyến đường thủy quan trọng và thuận tiện từ sông Cổ Chiên đi sông Hậu hay những vùng Tiểu Cần, Trà Cú… của tỉnh Trà Vinh; đồng thời dẫn nước ngọt từ sông Cổ Chiên về những cánh đồng của các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình …

         Cũng như các con sông khác trong vùng, sông Long Hồ nước ngọt quanh năm chảy vào đất liền, gắn kết với các sông khác thành một hệ thống sông rạch chằng chịt; không chỉ cung cấp nước tưới tiêu cho vườn tược, ruộng lúa, mà còn giúp cho việc đi lại của người dân được dể dàng. Đồng thời đã hình thành nên mạng lưới giao thông đường thủy thông dụng lúc bấy giờ được thông suốt, tạo cho việc giao thương mua bán trong vùng và các nhiều địa phương khác được tiện lợi hơn.

         Ngoài ra do địa thế của sông thuận lợi cả về thủy lợi và giao thương, nên thu hút các cư dân đến sinh sống tập trung hai bên sông ngày càng đông đúc, tạo nên những làng mạc trù phú và lập chợ mua bán sầm uất.

         Tuy nhiên, điểm đặc biệt của sông Long Hồ so với các sông khác là dọc theo hai bên sông, cư dân nơi đây đã xây dựng nên nhiều di tích đình, miếu, chùa có giá trị lịch sử văn hóa khá độc đáo mà các nơi khác không có, và đã được gìn giữ cho đến hôm nay như: Văn Thánh miếu, đình Long Thanh, đình Long Hồ, Minh Hương hội quán, Thất Phủ miếu, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Long Khánh…  Tất cả các di tích này đều gắn liền với công cuộc mở cõi trên vùng đất nơi đây. Bởi lẽ khi các cư dân người Kinh, người Hoa sau khi đến đây định cư, khai mở đất và an cư lạc nghiệp thì đã nhớ ngay đến những vị Thần đã phù trợ cho quốc thái dân an, cũng như những bậc tiền nhân đã có công mở đất và xây dựng phát triển như ngày nay./.


 
Nguồn: Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp cơ sở (Ban quản lý di tích Vĩnh Long)
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 586
  • Trong tuần: 3 808
  • Trong tháng: 13 749
  • Tất cả: 173671