Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
NGHỆ THUẬT HÁT BỘI TRUYỀN THỐNG – MỘT SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ
Hát bội là một nghệ thuật sân khấu độc đáo, có mặt ở nước ta từ rất sớm, tồn tại đến nay hàng trăm năm. Hát bội được truyền từ Bắc (Đàng ngoài) đến miền Trung (Đàng Trong) vào thế kỷ thứ XVII. Người có công đầu phát triển sân khấu tuồng ở Đàng Trong là Đào Duy Từ. Hát bội truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ XVIII và XIX.

           Hát bội là một nghệ thuật sân khấu độc đáo, có mặt ở nước ta từ rất sớm, tồn tại đến nay hàng trăm năm.

          Hát bội được truyền từ Bắc (Đàng ngoài) đến miền Trung (Đàng Trong) vào thế kỷ thứ XVII. Người có công đầu phát triển sân khấu tuồng ở Đàng Trong là Đào Duy Từ. Hát bội truyền vào Nam bộ khoảng thế kỷ XVIII và XIX.

          Ngay từ khi có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long, hát bội gắn bó chặt chẽ với hoạt động văn hoá đình làng. Đình là trung tâm văn hoá cộng đồng của làng. Ở mỗi đình, ngoài gian chánh điện để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, gian võ qui, thì nhất thiết phải có gian võ ca. Gian võ ca thiết kế, bày trí như một rạp hát có sân khấu và khán đài dành cho khán giả. Trong các kỳ lễ hội, hát bội được trình diễn để dâng cúng Thần Thành Hoàng bổn cảnh của làng sau là giúp vui cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả. 

anh tin bai

          Hát bội là loại hình nghệ thuật cách điệu từ nội dung cốt truyện, cử chỉ, điệu bộ, lời ca, tiếng hát, y phục, hóa trang…

          Hát bội gồm các dạng như hát xây chầu, hát thưởng, hát giàn, hát chặp.

           Nhóm tuồng hát gồm tuồng văn và tuồng võ, tuồng nho và tuồng thầy, tuồng truyện và tuồng đồ. Về điệu thức có nói lối, xướng, bạch; hát khách; hát nam; hát chúc mừng; ngâm, thán, oán...

            Sân khấu hát bội là sân khấu cách điệu đến mức cao nhất. Phía sau mặt sân khấu chỉ có một tấm phông vẽ mặt rồng. Hai bên cánh gà vẽ mấy hoa văn đơn giản. Cờ soái, bảo cái được treo hai bên. Giữa sân khấu có một cái bàn cố định, có thể là hương án, quan án, ngọn đồi, quả núi,…

             Về điệu bộ: điệu bộ diễn tả cũng có hàng chục kiểu cách khác nhau. Như nghệ sĩ bước ra sân khấu phải ra cửa sanh (cửa trái) vào cửa tử (cửa phải). Lúc hát hoặc lúc quỳ lạy không đưa lưng vào khán giả. Dáng đứng, dáng đi, lúc xoay mình, quỳ gối, lên ngựa, té ngựa… phải cách điệu.

             Hóa trang: tùy theo tính cách nhân vật mà có cách hóa trang khác nhau. Màu sắc hóa trang trên khuôn mặt diễn viên thể hiện tính tình nhân vật. Minh quân mặt trắng hồng, râu dài. Hôn quân thì mặt xanh, mặt rằn, rau rìa. Trung thần mặt trắng hồng, ít hóa trang. Gian thần mặt mốc, xám… Võ tướng mặt đỏ hoặc mặt đen. Cũng có trường hợp quan võ phải để mặt trắng, chỉ điểm chút son phấn. Yêu tinh, tướng nịnh, đào (nữ tướng) cũng có cách thể hiện riêng

              Dàn nhạc hát bội giống như dàn nhạc lễ gồm: đờn cò, đờn gáo, đờn kìm, sến,…; kèn thau, kèn nộc, chiêng, chập chỏa, đàn đường, tiêu, sáo…: quan trọng nhất là trống, có tất cả sáu loại trống: trống chiến, trống cái, trống bắc cấu, trống lệnh, trống cơm, trống chầu...

              Tại võ ca đình Mỹ Thuận (phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) còn lưu giữa câu đối thể hiện tính ước lệ của nghệ thuật hát bội:

  Phụ tử bổn phi đổng tộc tánh

                     Công khanh đồ thị giả tu mi

                   (Cha con vốn không cùng họ

                   Vua quan chỉ cần bộ râu giả mà thôi)

               Hay:  

                   Oanh liệt nhất trường ca thả vũ

                     Phấn đơn đồng diện giả nghi chân

                   (Oai hùng mạnh mẽ một màng ca múa

                   Phấn son tô mặt coi giả như thật)              

           Trong thời kỳ hoàn kim của nghệ thuật hát bội, tỉnh Vĩnh Long có nhiều đoàn hát bội như ở Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn… Các gánh hát bội ở Vĩnh Long nổi tiếng một thời: Tân Phước lập, Đồng Thinh, gánh Bầu Luông (của gia đình nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn), Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Đây … Có nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ tiếp nối nhau theo nghề hát bội, như gia đình nghệ nhân Ba Biếc, Bầu Răng, Vũ Linh Tâm … Nhiều nghệ nhân hát bội được Nhà nước phong tặng Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, trong đó có Nghệ sỹ Nhân dân Thành Tôn; qua hai đợt xét tặng danh hiệu danh dự nhà nước, tỉnh Vĩnh Long có 11 nghệ nhân nghệ thuật hát bội được phong tặng Nghệ nhân ưu tú như: Nghệ nhân Huỳnh Văn Răng, Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Thị Yến Linh,…

          Hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do phải đương đầu với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, công chúng trẻ ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống nhưng vì tình yêu nghệ thuật, những nghệ nhân hát bội hiện vẫn thường phối hợp với nhau đi trình diễn ở các đình, miếu của Vĩnh Long và nhiều tỉnh bạn ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, gánh hát bội Đồng Thinh vẫn duy trì hoạt động trong thời gian vừa qua và trao truyền nghề cho các thế hệ trong gia đình. Đây là điểm đặc biệt về nghệ thuật hát bội chỉ có ở Vĩnh Long.

         Bên cạnh đó, Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Long (nay là trường Năng khiếu Nghệ thuật – Thể dục thể thao) trong hai năm 2017 và 2018 đã tổ chức hai lớp giảng dạy nghệ thuật cho các học viên có đam mê với nghệ thuật hát bội. Đây là cố gắng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, cũng như nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội.

         Năm 2021, Bảo tàng Vĩnh Long thực hiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

          Ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, hiện tại tỉnh Vĩnh Long dần đưa nghệ thuật hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

          Từ khi hình thành và phát triển đến nay, nghệ thuật hát bội đã hai lần xuất dương ra ngước ngoài trình diễn.

        Lần thứ nhất vào năm 1889, người Pháp đưa nghệ thuật hát bội sang Paris trình diễn tại hội chợ thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp. Đoàn hát bội Việt Nam do ông Nguyễn Đông Trụ làm giám đốc và đạo diễn. Sự lạ kỳ của sân khấu hát bội làm ngạc nhiên công chúng Pháp. Sau hội chợ ở Paris, hát bội trở nên thịnh hành và phổ biến ở Sài Gòn. Đến đầu thế kỷ XX, các chủ nhà in người Việt ở Sài Gòn đã xuất bản nhiều sách tuồng các tuồng hát bội.

          Lần thứ hai vào năm 2007, Cục di sản văn hóa phối hợp với viện Smithsonian, Washington DC, Hoa Kỳ, đưa gánh hát bội Đồng Thinh sang Mỹ biểu diễn. Đợt biểu diễn rất thành công. Sau chuyến lưu diễn này, gánh hát bội Đồng Thinh được Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam mời biểu diễn tại bảo tàng, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Đa số các nghệ nhân của gánh hát bội Đồng Thinh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là một sự ghi nhận của Nhà nước đối với công lao của những người gìn giữ và trao truyền nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

          Năm 2018, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức cho các đoàn Famtrip Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn của tỉnh, xem một số sản phẩm du lịch, trong đó có xem trình diễn hát bội. Sau khi biểu diễn xong trích đoạn, nghệ nhân đã giao lưu cùng với đoàn, hướng dẫn cho thành viên của đoàn thực hiện một số động tác của nghệ thuật hát bội, tạo không khí vui tươi cho buổi biểu diễn. Đây là hoạt động được các đoàn lữ hành đánh giá cao. Gánh hát bội Đồng Thinh có nhiều suất diễn phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước tại đình An Thành (xã An Bình, huyện Long Hồ), tại Bảo tàng Vĩnh Long, Công Thần miếu...

        Năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà. Theo đó, sản phẩm du lịch chủ lực là homestay, du lịch nông nghiệp và du lịch nghề là 2 sản phẩm hỗ trợ, du lịch văn hóa là sản phẩm định hướng.

         Đầu năm 2021, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Vĩnh Long đã xây dựng kịch bản “Đốt đuốc lá dừa xem hát bội”, kịch bản biểu diễn nghệ thuật hát bội theo hướng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ khách du lịch trong thời gian tới, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này.

          Thời gian qua, hát bội trở thành một sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên để nghệ thuật hát bội trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù, ngoài sự nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, nghệ nhân, cần phải có sự gắn kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, đưa hát bội vào các tour du lịch để hát bội đến với khách du lịch nhiều hơn, góp phần đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội truyền thống của dân tộc./.
Bài, Ảnh: Thanh Nha
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 377
  • Trong tuần: 3 254
  • Trong tháng: 12 772
  • Tất cả: 165532