Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
LỄ VÍA QUAN CÔNG TẠI DI TÍCH THẤT PHỦ MIẾU
Vào đời nhà Thanh, do những biến cố lịch sử nên có nhiều người Hoa ở các phủ Ninh Ba (tỉnh Trực Lệ), Phúc Châu, Chương Châu, Truyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Quảng Châu, Triều Châu (tỉnh Quảng Đông) và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) di dân sang nước ta lập nghiệp. Sau khi tiếp nhận, triều đình nhà Nguyễn đã cho phép họ lập hội Thất phủ, tương tự như hội Hoa kiều ngày nay.
anh tin bai

Gian thờ Quan Công tại chánh điện di tích Thất Phủ miếu

          Vào đời nhà Thanh, do những biến cố lịch sử nên có nhiều người Hoa ở các phủ Ninh Ba (tỉnh Trực Lệ), Phúc Châu, Chương Châu, Truyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Quảng Châu, Triều Châu (tỉnh Quảng Đông) và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) di dân sang nước ta lập nghiệp. Sau khi tiếp nhận, triều đình nhà Nguyễn đã cho phép họ lập hội Thất phủ, tương tự như hội Hoa kiều ngày nay.

          Văn hóa của người Hoa rất phong phú, đa dạng nhưng trong quá trình di dân sang Việt Nam, những lưu dân người Hoa đã gặp không ít khó khăn, cơ cực nơi đất khách quê người, họ đã giản dị hóa phong tục và tín ngưỡng của mình, chỉ giữ lại tục thờ thần. Trong gia đình cũng như tín ngưỡng cộng đồng, người Hoa thờ nhiều thần khác nhau. Trong gia đình, người Hoa thờ Tổ tiên, Thổ địa, Thần tài, Táo quân. Trong cộng đồng, người Hoa thờ Quan Thánh Đế Quân, Ông Bổn, Thiên Hậu Thánh mẫu,…

          Lớp người Hoa đầu tiên nhập cư đến Vĩnh Long là vào thế kỷ XVII. Đến thế kỷ XIX, họ đã xây dựng những ngôi miếu để thờ tự những thần linh vốn được mang theo trong quá trình di dân như Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh mẫu.

          Điểm đặc biệt trong tín ngưỡng của người Hoa ở Vĩnh Long chính là việc thờ phổ biến Quan Thánh Đế Quân. Tại thành phố Vĩnh Long, đức Quan Thánh Đế Quân hiện đang được thờ tự tại di tích Thất Phủ miếu, ở khóm 1, phường 5. Được xây dựng vào năm 1872, Thất Phủ miếu là công trình kiến trúc của nhóm thợ tài hoa gồm mười người từ Phước Kiến sang, đứng đầu là công trình sư Hà Tạo. Trong suốt giai đoạn xây dựng, có sự giúp sức của nhiều nhóm thợ khác như: thợ mộc xây dựng, thợ đá, thợ hồ, trang trí, thợ sơn thép, họa sĩ, thợ cắt sành và thợ mộc trang trí,…

          Thất Phủ miếu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia loại hình kiến trúc nghệ thuật (Quyết định số 152/QĐ-BT ngày 25/1/1994). 

          Hàng năm, tại Thất Phủ miếu có các ngày lễ lớn như ngày vía Bà Thiên Hậu, vía Phước Đức Chánh Thần, Tam nguyên, Tứ quý; vía Quan Công (ngày 13 tháng giêng – vía sanh và 13 tháng năm âm lịch – vía Quan Công hiển thánh), ngày Tất niên (16 tháng 12 âm lịch). Trong đó, các ngày tổ chức lễ vía Quan Công thu hút rất đông bà con người Hoa và người Việt ở địa phương đến chiêm bái.

          Quan Công tên thật là Quan Vũ (160 – 219), tự Vân Trường, là người tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Là nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (211 – 264), Quan Công rất giỏi võ nghệ và được tôn là vị thần tướng. Từ các giai thoại dân gian đến các tác phẩm văn học, sử học đều ca ngợi Ông với các phẩm chất cao đẹp của người quân tử: trung nghĩa, thẳng thắn, hiên ngang, chính trực, văn võ song toàn… đó đều là những phẩm chất phù hợp với truyền thống văn hóa Trung Quốc, vốn dĩ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo.

          Lễ vía Quan Công là một hoạt động tín ngưỡng dân gian của đồng bào người Hoa, được hình thành và gắn liền với quá trình di dân của người Hoa đến định cư ở Nam bộ nói chung, Vĩnh Long nói riêng.

          Hàng năm, vào ngày 13 tháng giêng và 13 tháng năm âm lịch, ban trị sự Thất Phủ miếu đều long trọng tổ chức lễ vía Ông với đầy đủ các nghi thức lễ. Đặc biệt, lễ vía Ông ngày 13 tháng giêng còn vào dịp tết đến xuân về, mọi người rủ nhau đi hái lộc, xin xăm nên vào dịp lễ vía này, ngoài Ban trị sự Thất Phủ miếu, còn có đông đảo bà con người Hoa, người Việt cùng đại diện chính quyền địa phương và du khách thập phương trẩy hội về đây với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ khí tiết, sự linh hiển của Ông.

anh tin bai

Người dân thành kính nguyện hương, cầu mong được Ông che chở, gia đạo bình an, mọi việc hanh thông, thuận lợi

 

          Trong các lễ vía, lễ vật dâng cúng thường có heo quay, các món mặn, hương, hoa, trà, bánh,... Đặc biệt, không cúng gà vì con gà được xem là ân nhân cứu mạng Ông. Theo sử cũ, khi bị giặc truy đuổi, Ông đã dùng huyết gà hóa trang khuôn mặt để không ai nhận ra.

          Khi tiến hành lễ vía, một vị đại diện Ban tế tự Thất Phủ miếu sẽ mời mọi người cùng làm lễ niệm hương, cùng hướng về Ông, báo đáp thần ân, thỉnh cầu che chở, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thân thể khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc,…Sau lễ vía, Ban tế tự sẽ thết đãi quan khách và người dân những vật phẩm đã dâng cúng Ông.

anh tin bai

Đại diện Ban trị sự di tích Thất Phủ miếu hành lễ vía Ông

           Hình tượng Quan Công biểu trưng cho tính cao thượng của người quân tử. Trong hoạt động mua bán cần giữ chữ tín với đối tác và khách hàng, do đó tính cách tín nghĩa của Quan Công được đề ra như một tấm gương để mọi người noi theo. Đồng thời, người dân cũng mong muốn được Ông phù hộ gia đạo bình an, việc làm ăn, kinh doanh được thuận lợi, phát đạt.

          Lễ vía Quan công được tổ chức hàng năm tại Thất Phủ miếu là nét đẹp văn hóa của người Hoa ở vùng đất Nam bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Quan Công chính là hiện thân của những phẩm chất, lý tưởng cao đẹp mà con người hướng đến, không riêng gì người Hoa mà còn cả người Việt.

          Từ bao đời qua, cộng đồng người Hoa di dân đến Vĩnh Long ngoài việc ổn định đời sống, phát triển kinh tế, họ vẫn luôn bảo tồn và phát huy đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Lễ vía Quan Công ở Thất Phủ miếu do người Hoa ở Vĩnh Long tổ chức hàng năm đã hòa quyện với đặc trưng, phong tục tập quán của các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh, tạo nên sắc thái văn hóa cộng đồng đa dạng và vô cùng phong phú./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long, 2017, NXB Đại học Cần Thơ

- Địa chí Vĩnh Long (tập I, II), 2017, NXB chính trị quốc gia sự thật

 

Bài, Ảnh: Ngọc Vĩnh
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 10 060
  • Trong tháng: 21 863
  • Tất cả: 186472