Giờ mở cửa: Sáng: 7h30 - 11h00; Chiều: 13h30 - 17h00             Mở cửa tham quan: Từ thứ 3 đến sáng thứ 7
Tin mới
LỄ TRAI ĐÀN CHẨN TẾ (LỄ CẦU AN) TẠI DI TÍCH MINH HƯƠNG HỘI QUÁN
Lịch sử ghi nhận sự kiện năm Kỷ Mùi (1679) đời Chúa Nguyển Phúc Tân, một đoàn người gồm khoảng 3.000 dân – binh Trung Hoa đi trên 80 chiến thuyền vượt biển đến Đà Nẵng đệ đơn xin Chúa Nguyễn cho tỵ nạn chính trị. Đây là nhóm người trung thành với triều đại nhà Minh, khi nhà Minh suy tàn bị nhà Mãn Thanh lật đổ, họ không thần phục nhà Mãn Thanh nên tìm nơi lánh nạn. Chúa Nguyễn chấp nhận thỉnh cầu và cử người hộ tống đoàn trực chỉ về phương Nam. Chúa Nguyễn cắt đất cho nhóm của tổng binh ba châu Cao - Liêm - Lôi là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) định cư ở Biên Hòa, nhóm của Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho.
anh tin bai

Gian thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tại di tích Minh Hương Hội quán

           Lịch sử ghi nhận sự kiện năm Kỷ Mùi (1679) đời Chúa Nguyển Phúc Tân, một đoàn người gồm khoảng 3.000 dân – binh Trung Hoa đi trên 80 chiến thuyền vượt biển đến Đà Nẵng đệ đơn xin Chúa Nguyễn cho tỵ nạn chính trị. Đây là nhóm người trung thành với triều đại nhà Minh, khi nhà Minh suy tàn bị nhà Mãn Thanh lật đổ, họ không thần phục nhà Mãn Thanh nên tìm nơi lánh nạn. Chúa Nguyễn chấp nhận thỉnh cầu và cử người hộ tống đoàn trực chỉ về phương Nam. Chúa Nguyễn cắt đất cho nhóm của tổng binh ba châu Cao - Liêm - Lôi là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) định cư ở Biên Hòa, nhóm của Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho.

         Chúa Nguyễn đặt tên làng của người Hoa nhập cư là “làng Minh Hương”. Làng Minh Hương lúc đó mang ý nghĩa là “hương hỏa cho triều đại nhà Minh”. Đến đời vua Minh Mạng, Minh Hương chuyển sang ý nghĩa là “quê hương của người Minh” cho phù hợp quan hệ bang giao với nhà Thanh.

           Bằng tài năng và kinh nghiệm của mình, việc kinh doanh, buôn bán của cộng đồng người Minh Hương phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho đại phố lần lượt ra đời.

          Theo tài liệu địa phương, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến năm Gia Long thứ 10 (1811), ông Liêu Tấn Ngoạn cùng ông Trần Công Thái đệ đơn xin tách phần xã Minh Hương, Vĩnh Thanh ra khỏi thành Gia Định và nhập vào Trấn Vĩnh Thanh. Khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trấn Vĩnh Thanh, ông Lâm Hạc Thanh đứng ra vận động xây dựng Minh Hương Hội quán, hiện tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long hiện nay. Hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người Hoa, nơi đây đồng thời cũng là cơ sở tín ngưỡng, thờ Phước Đức Chánh thần.

           Phước Đức Chánh thần tương tự thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của người Việt, thần cai quản cộng đồng xã thôn. Đến năm Tự Đức thứ 10 (1888) ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (Bá hộ Nọn) trùng tu lại hội quán, ở giữa thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, bên tả thờ Phước Đức Chánh thần, bên hữu thờ Chúa Sanh Nương Nương. Ông bá hộ Trương Ngọc Lang và nhóm trí thức thời bấy giờ đã sắp xếp lại nề nếp, phát huy truyền thống văn hóa làng Minh Hương ngày càng tốt đẹp.

Món chi ngon bằng gỏi tôm càng

Làng nào lịch sự bằng làng Minh Hương

            Minh Hương Hội quán được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Quyết định số 1115/QĐ-UBND, ngày 07/7/2008).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Minh Hương vẫn duy trì được các nghi lễ truyền thống của người Hoa như ngày tết Nguyên Đán, ngày Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, thờ ông Táo quân,... đặc biệt là lễ Trai đàn Chẩn tế (Trai đàn phổ thí).

         Làng Minh Hương ở Vĩnh Long rất chú trọng đến đại lễ trai đàn chẩn tế. Theo tài liệu để lại, khi quân viễn chinh Pháp chiếm được Vĩnh Long và áp đặt bộ máy cai trị, ông Bá hộ Trương Ngọc Lang vẫn cố gắng vận động xin phép nhà cầm quyền Pháp được tổ chức đại lễ theo đúng lệ.

         Trai đàn, lễ cúng đàn chay, là một nghi lễ tưởng nhớ người đã khuất, mang tính nhân văn. Trai đàn là khoa nghi Mật tông Phật giáo, lấy từ tích Phật, càng về sau càng ảnh hưởng màu sắc Tây Tạng, rồi Trung Quốc. Tại đây khoa nghi này được tổng hợp thành quyển Du già Mông Sơn khoa nghi và được truyền sang Việt Nam. Tại Việt Nam, Phật giáo 3 miền đều có khoa nghi Trai đàn chẩn tế. Riêng ở Vĩnh Long cũng như ở Nam bộ nghi thức đại lễ này do Hòa thượng Hải Tịnh (1788- 1875) truyền dạy tại chùa Giác Viên, từ năm 1880.

anh tin bai

Một nghi thức lễ trong đại lễ Trai đàn tại di tích Minh Hương Hội quán

           Trai đàn Chẩn tế cô hồn thường tổ chức vào ngày trung nguyên (tức rằm tháng bảy). Trai đàn phổ thí thường tổ chức vào ngày hạ nguyên (ngày này người vay tiền Phước đức Chánh thần phải hoàn trả (hạ nguyên giải ách), chẩn tế cô hồn (phụ) và cứu giúp tương trợ (chính).

         Tham dự đại lễ trai đàn có đại diện chính quyền địa phương, cộng đồng người Hoa trên địa bàn tỉnh và đông đảo bà con nhân dân tham dự. Đây là nét văn hóa đẹp, mang đậm ý nghĩa tâm linh của người Hoa. Kinh phí tổ chức lễ được huy động từ cộng đồng người Hoa trên địa bàn và nhân dân, quý khách thập phương.

          Lễ trai đàn thường tổ chức 03 ngày (ba ngọ). Trong những ngày này miếu Thiên Hậu (Minh Hương Hội quán) được xem như một ngôi chùa.

          Buổi sáng các vị tăng sư phải công phu, buổi trưa: cúng Phật (cúng ngọ), buổi chiều: công phu, thí thực (thí thực cô hồn).

          Chương trình trai đàn có 10 khoa nghi:

                   1. Lễ thượng;

                   2. Lễ khai chưng bản;

                   3. Lễ chiêu u: thỉnh cô hồn chết trên đường bộ;

                   4. Lễ hưng tác: Lễ trình Thành Hoàng Bổn Cảnh;

                   5. Lễ tịnh trù và lễ cấp thủy;

                   6. Thiết phù sứ;

                   7. Nhiều, đàn: chạy kinh đàn;

                   8. Lục cúng phật: dâng cúng hương, đèn, trà, nước, quả, bánh (thực);

                   9. Tụng kinh cầu siêu và cầu an: tụng Vu Lan, Di Đà hoặc phổ môn;

                   10. Chẩn tế.

         Bên cạnh phần lễ chính, những ngày diễn ra đại lễ trai đàn còn có phần “giựt cô hồn” thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Theo quan niệm dân gian, “giựt cô hồn” là hành động giựt đồ cúng lễ của gia chủ sau khi cúng xong. Đồ cúng có giá trị không lớn, thường là bánh, kẹo, hoa quả, tiền lẻ…Trong quan niệm văn hóa của người Việt Nam thì “giựt cô hồn” không phải là hành vi tham lam, trộm cắp, chỉ là tạo thêm bầu không khí rộn ràng, vui vẻ trong những ngày lễ hội. Hơn nữa, việc giựt đồ cúng còn xua đi những xui xẻo, mang lại may mắn cho người giựt và gia chủ được giựt.

 

anh tin bai

Đại lễ Trai đàn chẩn tế thu hút đông đảo người dân tham dự

         Lễ trai đàn của cộng đồng người Hoa ở Minh Hương Hội quán mang tính cộng đồng, thể hiện tình cảm sâu sắc giữa người còn sống với người đã khuất. Tuy không hiểu nhiều về các nghi thức tế lễ nhưng mọi người đều thành kính cầu cho các linh hồn được siêu tịnh.

         Trải qua quá trình cộng cư lâu dài với các dân tộc khác trên vùng đất Vĩnh Long, văn hóa của người Hoa đã hòa quyện với đặc trưng, phong tục tập quán của các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh, tạo nên sắc thái văn hóa cộng đồng vô cùng đa dạng và phong phú./. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long, 2017, NXB Đại học Cần Thơ

- Địa chí Vĩnh Long (tập I, II), 2017, NXB chính trị quốc gia sự thật

Bài, Ảnh: Ngọc Vĩnh
                                                                     

©2021 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ BẢO TÀNG VĨNH LONG

Chịu trách nhiệm: Bà Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách - Trưởng ban biên tập

Địa chỉ: Số 01, Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Tel: 02703.823.181

Email: banbientapbtvl@gmail.com

Ghi rõ nguồn “Bảo tàng Vĩnh Long’’ khi sử dụng lại thông tin từ Website này

   

Copyright © baotangvinhlong.vn. All Rights Reserved. Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 68
  • Trong tuần: 11 368
  • Trong tháng: 21 971
  • Tất cả: 186207